Trong cuộc sống thật đó, có khá nhiều nghịch lý và bất công vẫn đang còn tồn tại mà thân phận những người công dân “phó thường dân” kia là một minh chứng. Họ là ai? Để trả lời câu hỏi ấy, xin gợi ra một giả thiết có vẻ như trong truyện cổ tích: một sớm mai thức dậy, người thành phố giật mình vì tất cả những người bán hàng rong, những người phu hồ, những người giúp việc trong các gia đình viên chức, doanh nhân, các người già neo đơn vì con cháu ở xa cần người chăm sóc... những người được gọi là “nhập cư trái phép”, kể cả những người “thuộc diện KT4, KT3”, những “khách không mời mà đến” từ nông thôn nghèo khó ấy, bỗng biến mất. Trong sự hụt hẫng, lúng túng, người thành phố mới ngộ ra rằng: mạch sống đô thị của họ đập cùng nhịp với những hoạt động mưu sinh của những khách “không mời mà đến” ấy. Người thành phố chợt hiểu ra, những bà con phải rời bỏ quê hương bản quán, ra sống vất vưởng chốn thị thành này, không chỉ là gánh nặng của đô thị, mà là một nguồn lực quan trọng tiếp sức vào mạch sống đô thị!
Nhận ra được điều này không dễ. Nhất là với những nhà quản lý mà đầu óc còn nặng tính cục bộ “lãnh chúa-địa phương” cứ ngỡ như thành phố này, khu phố ấy, vườn hoa kia, rạp hát nọ... là của riêng người đô thị. Cứ như những thứ đó là do tạo hoá ban riêng cho “đẳng cấp” được an bài ở chốn thị thành này! Ấy vậy mà, dù còn nhớ hay đã quên, có một thời người thành phố “sơ tán” về nông thôn, “bà con nghèo” ở quê đã sẵn sàng nhường gian giữa hoặc cái giường độc nhất trong căn nhà tranh tồi tàn của họ để người thành phố ở nhờ! Gánh nặng nhất của chiến tranh cũng đặt chính trên vai “người nhà quê” ấy! Thế rồi, khi bắt tay vào xây dựng lại “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thì đô thị lại đàng hoàng trước trong sự to đẹp gấp bội phần nông thôn. Thế rồi, “Đổi Mới” khởi đầu từ nông nghiệp, nông thôn song thành tựu của Đổi mới thì người thụ hưởng trước tiên và nhiều nhất lại là cư dân đô thị, nông thôn chịu phần hưởng sau.
Và cũng thế rồi, mức sống quá cách biệt giữa nông thôn và đô thị đang ngày càng đậm nét thêm. Cùng với thực tế đó, chuyện thừa lao động, thiếu việc làm ở nông thôn buộc người lao động nông thôn phải rời quê hương để kiếm sống nơi đô thị. Những người vốn gánh trên vai gánh nặng nhất của chiến tranh, là chủ lực quân của hai cuộc kháng chiến, nếu không là bản thân họ thì cha anh họ, thì nay, nhiều người trong số họ đành cam chịu thân phận của những “người khách không mời mà đến” nơi phồn hoa đô hội đàng hoàng và to đẹp bội phần để rồi hiểu ra rằng mình bị đẩy vào thân phận “phó thường dân”. Họ buộc phải nhận lĩnh một cách thật bất công thân phận ấy, song dù sao thì cũng là một lối thoát, ngõ hầu có thể ra khỏi cảnh bần hàn để cầu mong những cơ hội bứt lên. Thật ra, chuyện này không chỉ có ở nước ta mà cũng là chuyện của nhiều nước trên thế giới. Sức hút và sức đẩy của dòng di dân là sức chảy bất tận của dòng sông cuộc sống. Làn sóng “khách không mời mà đến” là “bất khả kháng” của quy luật “hút” và “đẩy” đó. Hơn nữa, đó là một nhu cầu của phát triển!
Một số nơi như Jakarta, Manila và Bangkok đã từng quyết liệt ngăn chặn làn sóng nhập cư song đều thất bại, rốt cuộc, phải hướng vào vấn đề quản lý để hạn chế hậu quả về ô nhiễm môi trường, về cơ sở hạ tầng, về các loại hình dịch vụ công cộng... Ở ta, khi đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước thì làn sóng di dân nông thôn- đô thị là một tất yếu. Vì, lợi thế đô thị so với nông thôn là quá rõ. Lợi thế đó là động lực thúc đẩy làn sóng di dân nói trên. Mà lợi thế ấy đâu chỉ dành riêng cho người thành phố, mặc dầu không ít người cố độc quyền cái lợi thế đó, thậm chí cả một số người cầm quyền.
Với Luật Cư trú có hiệu lực thực thi từ ngày 1.7.2007, cái đặc quyền bất công đó bị bác bỏ. Đương nhiên, Luật đó không chỉ được những “phó thường dân” nói trên đón chờ. Quyền tự do cư trú, quyền được sống nơi mình chọn lựa của mọi công dân được pháp luật ghi nhận và định ra những điều kiện và cách thực thi.
Luật Cư trú có 6 chương, 42 điều khá cụ thể, minh bạch và chặt chẽ. Phạm vi điều chỉnh của Luật gồm 2 nội dung chủ yếu: quyền tự do cư trú của công dân và việc đăng ký, quản lý cư trú. Cả hai nội dung đó có mối liên quan quy định lẫn nhau, không có những quy định công khai và minh bạch về việc đăng ký và quản lý, mà chủ yếu là nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước đối với việc đảm bảo thực thi quyền tự do cư trú của công dân, thì quyền đó cũng chỉ nằm trên giấy. Chính vì thế mà dư luận đặc biệt quan tâm đến nghĩa vụ và cách ứng xử của các cơ quan quyền lực đối với việc thực thi Luật.
Trong cuộc họp báo công bố Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngày 26.6 vừa qua của Bộ Công an, trả lời câu hỏi của phóng viên: “dân nộp hồ sơ đăng ký cư trú mà bị đùn đẩy trách nhiệm không giải quyết thì sao?”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã khẳng định rành rọt: “Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành quy trình nghiệp vụ quản lý cư trú. Trong lực lượng vũ trang, đó là mệnh lệnh. Chỉ được làm và phải làm như thế”. Trả lời câu hỏi về việc làm sao để UBND xã phải xác nhận về “yếu tố hợp pháp” cho dân theo Nghị định 107, cũng là một tuyên bố dứt khoát: “Thủ tướng đã ký ban hành tức là địa phương phải chấp hành. Nghị định nêu ra thủ tục như vậy tức là UBND xã có nghĩa vụ phải thực hiện. Có tranh chấp thì phải xác nhận là có, mà không tranh chấp phải xác nhận là không. Không thể từ chối yêu cầu của dân !” (*).
Câu trả lời thật mát lòng dân. Cũng đã khá lâu mới có một cách trả lời đầy trách nhiệm và quyết đoán như vậy. “Không thể từ chối yêu cầu của dân”, đó là nghĩa vụ của người cầm quyền. Khi nghĩa vụ ấy được nâng lên thành mệnh lệnh, chỉ được làm và phải làm như thế, đó là sự minh bạch của pháp luật và tính nghiêm minh của pháp lệnh. Từ câu trả lời của vị Trung tướng Công An, dân thấy rõ quyền của mình là có thật, quyền ấy được bảo vệ và được sự hậu thuẫn vững chắc về mặt pháp lý và lực lượng thực thi.
Đương nhiên, bằng kinh nghiệm sống, người dân hiểu rằng, sẽ có muôn vàn cách vòng vo để thực hiện một việc đơn giản theo kiểu “có tranh chấp thì phải xác nhận là có, mà không tranh chấp phải xác nhận là không”, nhưng dù sao thì dân cũng có điểm tựa để đấu tranh cho những vòng vo ấy bớt dần đi. Đây sẽ còn là một cuộc đấu tranh lâu dài để cho quyền của dân được thực hiện.
Nói như vậy là vì, quyền lực, xét cho kỹ, tự thân nó đã chứa đựng một khả năng lạm quyền, chuyên quyền. Cho nên trong thực tế, bất kỳ một loại quyền lực nào cũng có khuynh hướng tăng cường hơn nữa, tăng cường vô hạn độ quyền lực của mình, cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tổ chức. Vi phạm quyền dân chủ vẫn là thói quen khó bỏ của người nắm quyền. Quyền rất to cũng thế mà quyền bé tí tẹo cũng vậy, miễn đó là quyền. Cái quán tính của căn bệnh “hành dân” vốn là trọng bệnh của bộ máy công quyền của ta, xem ra không thể dẹp bỏ một sớm một chiều. Trong chuyện thực thi Luật Cư trú này rồi cũng sẽ vấp phải lực cản của cái quán tính nặng căn đó.
Chính vì thế, cùng với việc ra sức “xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” mà Đại hội X vạch ra, việc tuyên truyền, phổ biến về quyền công dân được thể hiện trong Luật Cư trú cùng với các văn bản liên quan để từng người dân hiểu rõ, biết dựa vào đó để làm điểm tựa mà đấu tranh cho quyền của mình. Quyền được sống nơi mình đã chọn lựa, đó là quyền của người nhập cư nói riêng và quyền công dân nói chung, không tuỳ thuộc “lượng cả bao dong” của bất cứ một ai.
Cái gì cần đến rồi cũng phải đến. Việc triển khai thực hiện Luật Cư trú, những khó khăn vấp phải, những lực cản phải vượt qua sẽ là minh chứng và là một thách đố của phát triển.
Tương Lai
* Báo “Pháp luật TP Hồ Chí Minh” ngày 27.6.2007
Ảnh: nguoihanoi.net