Tái cấu trúc mô hình chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 3, Khóa X, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị hành chính hướng tới sự tinh gọn và hiệu quả hơn. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh chóng và bền vững.
Phó Thủ tướng cho biết, Đảng ủy Chính phủ đã xây dựng đề án chi tiết và Trung ương cơ bản thống nhất tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, kết thúc hoạt động của cấp huyện từ 1.7. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập dự kiến là 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã trên toàn quốc sẽ sáp nhập bảo đảm giảm từ 60 - 70% số lượng đơn vị hiện có.

“Đây là cuộc sắp xếp đơn vị hành chính lớn nhất từ trước đến nay trên phạm vi cả nước, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và người dân. Mục tiêu của việc sáp nhập tỉnh, xã là mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng một chính quyền địa phương hiện đại, tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, bản chất của việc sáp nhập không nằm ở việc thay đổi ranh giới hành chính đơn thuần, mà là tái cấu trúc mô hình chính quyền địa phương, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm của các địa phương. Tinh gọn bộ máy sẽ đi đôi với việc nâng cao năng lực quản lý, giúp chính quyền địa phương gần dân, sát dân hơn, và chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Việc thực hiện thành công chủ trương lớn không chỉ đo lường bằng số lượng cấp tỉnh giảm, mà quan trọng là đo bằng hiệu quả của Nhà nước, tiết giảm chi phí vận hành bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của các vùng, địa phương.
Nhất trí với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết, bối cảnh quốc tế như hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật, biến đổi khí hậu… đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. "Không có cách nào khác, Việt Nam phải đổi mới. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập là đúng và chúng ta phải thống nhất, quyết tâm để thực hiện”, nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định.
Những quyết sách vừa qua của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, sự triển khai của Chính phủ, MTTQ Việt Nam, theo đánh giá của nguyên Phó Chủ tịch nước, “là việc chúng ta ấp ủ từ lâu rồi, đã được nói từ nhiệm kỳ khóa VIII, IX, X, đến bây giờ mới được giải quyết".
Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch nước, việc sắp xếp bộ máy ở Trung ương chính là một hình mẫu cho các địa phương triển khai sắp tới để mỗi địa phương sẽ quyết tâm cao hơn, triển khai nghiêm túc hơn. Trong thực hiện quyết tâm cao độ này, bà Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội đoàn thể đóng vai trò hết sức quan trọng.
Khoa học, hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương
Để chủ trương sắp xếp triển khai thực chất, hiệu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt việc khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các đề án về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, trên tinh thần khoa học, hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm quy định của pháp luật, định hướng của Trung ương.
Cùng đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết, thực hiện triển khai; xác định rõ từng công việc của cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm, thời gian thực hiện, nguồn lực thực hiện và phương án bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị ổn định, tác động ít nhất đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, quá trình thực hiện bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch, đúng người đúng việc, đúng năng lực, hiệu quả công tác; có phương án đào tạo lại, giải quyết chế độ chính sách hợp lý, đảm bảo chế độ cho người nghỉ việc theo nguyện vọng. Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp phải bảo đảm chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, gắn với quá trình chuyển đổi số.

Quang cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị, cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, giúp người dân hiểu rõ chủ trương này, thống nhất, đồng thuận cao trong triển khai, hướng đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện ngay từ cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng sắp xếp để trục lợi cá nhân hoặc gây khó khăn, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.
Về phía Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thời gian tới, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành hướng dẫn các địa phương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã đồng bộ với việc sáp nhập đơn vị hành chính. Chuẩn bị, tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ngay sau đại hội đảng bộ cấp xã, cấp tỉnh, thời gian hoàn thành là 15.6.2025; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian hoàn thành là 15.7.2025.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn, các đại biểu trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục đồng tình, ủng hộ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động để tạo được sự nhất trí cao, đồng thuận xã hội, không khí hồ hởi trong nhân dân. Nhất là trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo thành một khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo.