Ngư dân, doanh nghiệp lao đao
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 8.2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ tăng 3%, đạt gần 90 triệu USD. Tính lũy kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 648 triệu USD, tăng 19%.
"Tuy nhiên, việc nguồn cung cá ngừ vằn trong nước bị hạn chế do quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác được đưa ra tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP đã tác động tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam", bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP nhận xét.
Bà Hà dẫn chứng số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đã sụt giảm liên tục từ tháng 5 đến nay với tốc độ sụt giảm ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm 2024 nên tính lũy kế 8 tháng qua, giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này vẫn tăng 19%, đạt hơn 196 triệu USD. Còn xuất khẩu nhóm các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không ổn định.
Theo VASEP nhận định, xu hướng chung thị trường vẫn có nhu cầu đối với sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam, tuy nhiên những tháng tới, xuất khẩu cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng tốt như từ đầu năm, một phần do tác động của quy định về kích thước cá ngừ khai thác.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 37, kể từ ngày 19.5.2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500mm; nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay số lượng cá ngừ vằn kích cỡ 500mm trở lên thường chỉ chiếm từ 10 - 20% mẻ lưới.
Trên thực tế, để thực hiện quy định về kích thước tối thiểu khi đánh bắt cá ngừ vằn này, các ngư dân sẽ phải đầu tư một khoản chi phí lớn để thay đổi ngư cụ mới có kích thước mắt lưới mới, phù hợp, cho đến việc ghi chép nhật ký, kiểm soát kích cỡ của loài mà ngư dân khai thác được. Tuy nhiên, kể cả có thay đổi kích thước mắt lưới thì việc sàng lọc cá cũng rất khó thực hiện được. Nguy cơ có thể một bộ phận ngư dân ở miền Trung sẽ dừng việc đi biển, đời sống người dân miền biển bị ảnh hưởng lớn.
Với các doanh nghiệp, họ đang đứng trên nguy cơ mất thị trường lớn như EU do không thể tích trữ cá ngừ vằn chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm để cung ứng cho thị trường châu Âu vào đầu năm 2025. Hiện tại, các doanh nghiệp đang phải sử dụng nốt nguồn nguyên liệu tồn kho từ trước và nguyên liệu nhập khẩu. Việc chuyển sang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến cho các sản phẩm giảm sức cạnh tranh do bị áp thuế cao.
Cần tính toán kích thước phù hợp
VASEP thông tin, trong 3 tháng “vào vụ” cao điểm khai thác cá ngừ vằn của ngư dân (tháng 7 - 9), doanh nghiệp phải ngừng thu mua do cá không bảo đảm kích cỡ 100% đạt nửa mét trở lên. Hầu hết các cảng cá ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn theo quy định Nghị định 37.
Điều đáng nói, cá ngừ là loài di cư, trong khi tàu cá của Việt Nam không được phép khai thác cá ngừ vằn theo quy định về kích thước tối thiểu nói trên, thì tàu cá các nước lân cận vẫn được phép khai thác bình thường. Hiện, Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC) và cả các tổ chức quản lý nghề cá khu vực khác đều không quy định kích cỡ được phép hay không được phép khai thác đối với cá ngừ vằn, mà họ chỉ quản lý theo hạn ngạch khai thác.
Ngay cả EU cũng không có quy định kích thước khai thác tối thiểu với cá ngừ vằn; các tàu cá của Tây Ban Nha và các nước EU vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1kg. EU bảo vệ nguồn lợi hải sản bằng các biện pháp như "hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác…", chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu.
Những năm qua, cá ngừ vằn chiếm tới 85% sản lượng khai thác cá ngừ của ngư dân nước ta, đây cũng là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm chế biến và đóng hộp để tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP Nguyễn Hà nhấn mạnh, thiếu nguyên liệu trong nước bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu; nhưng như vậy chúng ta khó cạnh tranh được với các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan như Philippines, Ecuador…
Hiện, các doanh nghiệp thu mua và chế biến cá ngừ mong muốn sẽ có những biện pháp phù hợp để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như đời sống của ngư dân. Vì tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của vấn đề liên quan đến sinh kế sản xuất kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 37.
Cục Kiểm ngư thông tin cho biết, sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, sửa đổi quy định, nhưng quan điểm “vẫn phải quy định kích thước khai thác kết hợp hạn ngạch”. Tuy nhiên, cần tính toán kích thước thế nào để vừa phù hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời hỗ trợ sản xuất, bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và ngư dân.
Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường