Theo bản dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo do Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức, dự thảo gồm 9 chương và 74 điều. So với 7 chương, 49 điều của Luật hiện hành, thì việc sửa đổi lần này gần như là xây dựng một đạo luật mới về quản lý nợ công, chứ không chỉ giới hạn sửa đổi Luật hiện hành. Tôi ủng hộ việc xây dựng và ban hành Luật Quản lý nợ công mới như dự thảo của Chính phủ. Có thể thấy, phạm vi điều chỉnh về quản lý nợ công cũng tương đối phù hợp, bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Dự thảo Luật cũng minh bạch, làm rõ khái niệm của từng khoản nợ. Theo đó, nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ vay trong nước, nước ngoài được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền phát hành theo quy định của pháp luật. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương vay, vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc phát hành công cụ nợ. Dự thảo Luật cũng làm rõ hơn về chế độ, trách nhiệm giải trình nợ công.
Tuy nhiên, hiện vẫn có ý kiến khác nhau về khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (theo Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) có thuộc phạm trù nợ công hay không? Khác với luật pháp của một số nước, doanh nghiệp nhà nước ở nước ta vẫn là doanh nghiệp đối vốn, chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên vốn điều lệ và doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn trên tài sản của chính doanh nghiệp. Do đó, dù Nhà nước là chủ sở hữu vẫn không chịu trách nhiệm về nợ của doanh nghiệp nên các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước là nợ doanh nghiệp chứ không phải nợ công.
Song, nếu Nhà nước không cho doanh nghiệp nhà nước phá sản, khi doanh nghiệp này lâm vào tình trạng phá sản, thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm giải quyết nợ. Và thực tế đã xảy ra tình trạng này. Do đó, để giải quyết dứt khoát vấn đề này, trong dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần minh thị quy định cấm Chính phủ trả nợ thay, hoặc bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng phá sản làm tăng nợ công; đồng thời quy định chặt chẽ hơn việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho doanh nghiệp; tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ. Đặc biệt, khi Chính phủ cho vay lại, thì trách nhiệm cho vay lại như thế nào? Nhất là trách nhiệm của những địa phương được Trung ương bao cấp phần lớn ngân sách nhà nước.
Trên thế giới rất nhiều nước tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Vì doanh nghiệp nhà nước ở các nước đều chú trọng cung ứng dịch vụ công và những dịch vụ mà tư nhân không cung cấp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước ở nước ta chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh. ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) |