Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc

- Thứ Tư, 19/06/2024, 19:06 - Chia sẻ

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, các đại biểu Quốc hội tán thành về chủ trương đầu tư nhằm khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cần xác định hệ giá trị cốt lõi cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Phát triển văn hóa tiên tiến dựa trên nền tảng cốt lõi

Nhấn mạnh, đây là Chương trình rất quan trọng, có nội dung rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của một chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, đã bảo đảm tính đột phá nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa cũng như tư tưởng Hiến định “mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa” tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013. Điều này góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.

Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc -0
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội là chủ trương nhất quán đã được nêu rõ tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Khẳng định điều này, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, việc triển khai đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là hết sức cần thiết và kịp thời nhằm thể chế hóa chủ trương này.

Đại biểu cũng đề nghị, cần xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng các chương trình hành động để vừa bảo vệ nền tảng, vừa phát triển văn hóa tiên tiến dựa trên nền tảng cốt lõi đó. Các yếu tố hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tinh hoa văn hóa nhân loại phải là một phần của hệ giá trị cốt lõi này. Khi đó, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được học tập trong Đảng mà còn được phổ biến toàn xã hội và là "chất keo dính" để Đảng tăng cường gắn bó mật thiết với Nhân dân, trong Nhân dân và vì Nhân dân.

Trong phần đánh giá của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình đã nêu “còn có nhiều sản phẩm văn hóa độc hại, yếu tố ngoại lai bằng nhiều con đường, hình thức tinh vi đã xâm nhập vào nước ta, tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, tình cảm, lối sống của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh niên, làm xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng”.

Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc -0
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu

Tuy nhiên, Chương trình chưa đưa ra được những giải pháp, mục tiêu cụ thể về nội dung này. Do đó, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần cụ thể hóa một nhóm giải pháp để chuẩn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình và giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Có nên đầu tư phát triển các trung tâm văn hóa Việt ở nước ngoài?

Với mục tiêu lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, Chương trình đề ra nhiệm vụ cụ thể là phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết phải nghiên cứu, đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại các quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sâu rộng, ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) nhấn mạnh, việc giao lưu văn hóa được xác định là một trong các trụ cột của quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng nội dung, phạm vi, quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc -0
ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) phát biểu

Nêu quan điểm, việc đầu tư các trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhưng ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, việc xây dựng các thiết chế văn hóa này nên được thực hiện nếu đáp ứng nhu cầu, mong muốn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và quảng bá văn hóa của nước ta. “Với sự phát triển của công nghệ số như hiện nay, chúng ta có thể tận dụng giá trị của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các nền tảng số sẽ mang lại hiệu quả hơn”. Nêu vấn đề này, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, Chính phủ nên ưu tiên hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc ở trong nước, sau đó có lộ trình phù hợp xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc -0
ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) phát biểu

Tranh luận với một số đại biểu về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, ý tưởng phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài "hay nhưng không mới". Lo ngại về tính hiệu quả của việc duy trì phát triển các trung tâm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lý giải, đầu tư xây dựng một trung tâm ở nước ngoài, đặc biệt ở nước phát triển rất tốn kém, "lấy đâu ra người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này". Hơn nữa, yếu tố “nhiệm kỳ” cũng là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn, có chiều sâu. “Nếu theo cách làm cũ, chúng ta có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một số trung tâm hiện nay”. Chỉ rõ thực tế này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, nên chăng hỗ trợ các hội, đoàn người Việt và nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ tại các nước, họ tự trang trải kinh phí bằng các dịch vụ như nhà hàng, siêu thị, hàng hóa… sẽ hiệu quả hơn.

Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc -0
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, nên tập trung vào các chương trình cụ thể, như dạy tiếng Việt ở những nước có người Việt Nam sinh sống nhiều, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có khả năng triển khai dạy tiếng Việt, ban hành quy chuẩn đánh giá trình độ học tiếng Việt, từ đó tổ chức thi để công nhận trình độ... Các trung tâm tại nước ngoài có thể được hỗ trợ khi đạt được số lượng học viên theo mức độ đặt hàng của chương trình mục tiêu. Điểm tiếng Việt sẽ là tiêu chí để phấn đấu cho các học viên và cũng để các cơ quan tại Việt Nam có thể lựa chọn, tuyển dụng và hợp tác.

Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc -0
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, thế giới chưa nhận diện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam như nhận diện bản sắc văn hóa của một số nước… vì vậy, việc đầu tư các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài mà chưa làm rõ bản sắc quốc gia sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư. Để thế giới nhận diện văn hóa Việt Nam thì Việt Nam phải thể hiện được bản sắc riêng. Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, khi giới thiệu sản phẩm văn hóa ra thế giới, thì phải "vừa đậm đà bản sắc, vừa chất lượng cao" mới để lại ấn tượng, hình ảnh đẹp trong lòng đối tượng hưởng thụ. Vì vậy, khi chưa hoàn thiện bộ nhận diện và chưa nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, thì chưa nên đầu tư nhiều cho các trung tâm văn hóa ở nước ngoài.

Nhật An
#