Phải là những chuyển động thực tế

- Thứ Bảy, 01/07/2023, 16:28 - Chia sẻ

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những kết quả nổi bật của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua. Thông qua hoạt động này tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, hiệu lực của chất vấn và trả lời chất vấn - một trong 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội.

Nhiều cử tri cùng chung nhận định như vậy khi phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV sáng nay, 1.7.

Hình thức giám sát tối cao rất hiệu quả, được cử tri quan tâm, chờ đợi

Kế thừa thành quả, kinh nghiệm và những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại các kỳ họp trước đó, tại Kỳ họp thứ Năm, đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, có 49 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt đại biểu.

Phải là những chuyển động thực tế -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Trí Dũng

Kết quả hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp được đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri rất quan tâm và rất có hiệu quả.

Đánh giá cao chất lượng các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) nhận thấy, hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng có chất lượng, đi thẳng vào những vấn đề, nội dung người dân quan tâm, dư luận bức xúc. Các nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực Quốc hội lựa chọn đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm đều rất sát sườn với đời sống của nhân dân, trong đó có nhiều vấn đề nóng, thời sự vừa diễn ra, như vụ việc vi phạm xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; hay, sự chậm trễ trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà người dân vùng sâu, vùng xa đang rất mong chờ. Tiếp đó là vấn đề đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn; việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước...

Đặc biệt, cử tri ghi nhận và đánh giá cao việc với những chất vấn thẳng thắn, trực diện, đi đến cùng vấn đề của đại biểu Quốc hội, nhiều câu hỏi đã có câu trả lời cụ thể ngay tại nghị trường mà không phải chờ đợi ở “thì tương lai”.

 “Không có khoảng trống pháp luật nào xảy ra ở đây...”

Nếu ví người điều hành phiên chất vấn như “nhạc trưởng”, thì hai ngày rưỡi diễn ra hoạt động này tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, dưới sự điều hành dân chủ, trí tuệ và hiệu quả của Chủ tọa, đã tạo nên một “tổng phổ” chất vấn hài hòa, đúng mực, có cao trào, có điểm nhấn, không “chênh”, “phô”.

“Có thể nói, chúng ta tận dụng đến từng phút một, không để lãng phí phút nào thời gian Quốc hội dành cho hoạt động chất vấn” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đặc biệt, như theo dõi và chia sẻ của cử tri, thì điều tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn của các phiên chất vấn, đó là trong một số tình huống cụ thể, sự “vào cuộc” kịp thời và đúng lúc của Chủ tọa không những giúp đẩy vấn đề đi đến cùng và được làm rõ ngay tại nghị trường, mà còn “cứu nguy” cho cả Bộ trưởng, giúp một số “tư lệnh” ngành bắt nhịp nhanh hơn với không khí và diễn biến của phiên chất vấn.

 Quan trọng hơn, qua các nội dung hỏi - đáp, tranh luận - giải trình... trực tiếp giữa đại biểu với các bộ trưởng và thành viên Chính phủ, nhiều vấn đề đang còn vướng, tồn tại bấy lâu nay đã có “lối ra”, có câu trả lời cụ thể. Một trong những vấn đề được làm sáng tỏ ngay tại nghị trường liên quan đến hoạt động của các trung tâm đăng kiểm.

Trả lời chất vấn của đại biểu về những sai phạm, tiêu cực xảy ra ở các trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, một trong những nguyên nhân xảy ra sai phạm chính là do chúng ta “không phản ứng kịp thời” khi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đăng kiểm thay đổi. Cụ thể, trong Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới) do Bộ tham mưu với Chính phủ ban hành, có nội dung rất quan trọng liên quan đến quy hoạch mạng lưới đăng kiểm.

Nhưng, “khi Luật Quy hoạch ra đời, thì các quy hoạch ngành đương nhiên không còn hiệu lực, ngay sau đó các trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng cho biết, chỉ trong khoảng 2 năm, các trung tâm đăng kiểm đã tăng lên con số 281, vượt cả quy hoạch mạng lưới đăng kiểm đến năm 2030. Khi nhiều trung tâm đăng kiểm được thành lập như vậy đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và các hiện tượng tiêu cực.

Ngay sau trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Việc nở rộ các trung tâm đăng kiểm có phải do hậu quả của Luật Quy hoạch như Bộ trưởng nói hay không?”. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, giải thích một số điều của Luật Quy hoạch từ ngày 16.8.2019, trong đó có 2 ý rất quan trọng. Đó là trong khi các quy hoạch mới chưa được xây dựng, thì cho phép vẫn sử dụng các quy hoạch cũ; và, đối với những quy hoạch chuyên ngành bị bãi bỏ, thì các Bộ phải có trách nhiệm thay bằng các tiêu chuẩn và quy chuẩn. Tiếp đó, trong Nghị quyết của Quốc hội ngày 16.6.2022 về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” cũng đã nói rất rõ việc này.

“Đến nay, các quy hoạch của chúng ta vẫn còn chạy song song cả hai, một là những quy hoạch mới và hai là những quy hoạch cũ, còn quy hoạch nào bãi bỏ thì phải thay bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Không có một khoảng trống pháp luật nào xảy ra ở đây cả. Chúng tôi đề nghị thuyết minh rõ, làm rõ chuyện này” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Trong giải trình ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Vấn đề này, Luật Quy hoạch không có lỗi, đó là câu chuyện phản ứng chính sách của Bộ Giao thông vận tải”. Khi Luật ra đời, thì quy hoạch mạng lưới đăng kiểm (ban hành trước đó) hết hiệu lực và bị bãi bỏ. Đáng ra khi đó, Bộ phải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát, nhưng, Bộ đã không kịp làm việc này. Cho nên “đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến câu chuyện các trung tâm đăng kiểm nở rộ”, Bộ trưởng cho biết.

Theo “đối tượng” hay “địa bàn”?

Cũng với sự “vào cuộc” của Chủ tọa, việc xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên theo “đối tượng hay địa bàn, hay cả hai, hay trên cơ sở đối tượng cộng thêm phần địa bàn” - một trong những câu chuyện đang vướng mắc lâu nay, đã có ngay câu trả lời tại phiên chất vấn.

Thực tiễn vừa qua cho thấy, trong quá trình áp dụng các chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg (của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT (của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025), một số đối tượng của giai đoạn 2016-2020 đang được Nhà nước hỗ trợ, nay phải tự chi trả do không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều nhất là chính sách về bảo hiểm y tế. Vấn đề này được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Đi thẳng vào gốc rễ vấn đề, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nếu chúng ta phân loại như hiện nay, thì 12 chính sách đồng bào đang được hưởng sẽ bị tác động, như Bộ trưởng nêu là hơn 2,1 triệu người không được hỗ trợ chính sách về bảo hiểm y tế nữa. Câu chuyện ở đây là theo đối tượng hay theo địa bàn, hay vừa cả đối tượng vừa cả địa bàn - phải làm cho rõ...”.

Trả lời yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: “Tất cả các chính sách này đều ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng là con người, không phải địa bàn. Cho nên, đây là chính sách trực tiếp cho con người. Và các bộ, ngành được giao nhiệm vụ sẽ điều chỉnh, sửa đổi”.

Cũng như các kỳ họp trước đó, thời gian vật chất dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm là hai ngày rưỡi. Qua các phiên chất vấn, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các “tư lệnh” ngành trên cả 4 lĩnh vực được Quốc hội lựa chọn chất vấn lần này đều đã được đánh giá một cách công tâm, khách quan với tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Nhiều giải pháp, cam kết, “lời hứa” cũng được các Bộ trưởng đưa ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã nhận trách nhiệm vì sự “rất chậm” trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.  

Tuy nhiên, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội, thì phiên chất vấn và trả lời chất vấn “có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Nhân dân, cử tri giám sát Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp”.

Phải là những chuyển động thực tế sau chất vấn. Điều được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cũng chính là điều cử tri và Nhân dân cả nước tin tưởng gửi gắm, chờ đợi, kỳ vọng ở Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của Nhân dân.

Và, trong các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Năm, nhiều cử tri tiếp tục yêu cầu: Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần đẩy nhanh và thực hiện cho được những giải pháp, cam kết, lời hứa đã đưa ra, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực được giao quản lý, đồng thời có giải pháp căn cơ, lâu dài, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn.

Lam Giang
#