Năng lực dự báo và phản ứng chính sách phải kịp thời, hiệu quả hơn

- Thứ Sáu, 02/06/2023, 05:51 - Chia sẻ

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 trong phiên họp chiều 1.6, nhiều đại biểu đã chỉ ra những lãng phí cụ thể trong từng lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời đề nghị, cần khẩn trương cá nhân hóa trách nhiệm, chấn chỉnh tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực dự báo và phản ứng chính sách.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam):
Nhanh chóng cá nhân hóa trách nhiệm đến từng cấp lãnh đạo, từng cán bộ

Năng lực dự báo và phản ứng chính sách phải kịp thời, hiệu quả hơn

Chúng ta vẫn còn tình trạng lãng phí trong phân bổ vốn đầu tư công và chậm giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã hết sức quyết liệt, điều hành bằng nhiều chỉ thị, nhiều tổ công tác, tuy nhiên, số liệu cho thấy tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 Quốc hội quyết định 2.800.000 tỷ đồng cho đến nay chúng ta mới phân bổ được 2.400.000 tỷ đồng, vẫn còn gần 500.000 tỷ đồng chưa phân bổ.

Vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH chúng ta có 176.000 tỷ đồng thì hiện nay vẫn còn 14.000 tỷ đồng chưa phân bổ và 161.000 tỷ đồng chúng ta chưa biết tình hình giải ngân đến bây giờ thế nào; cử tri đặt câu hỏi: với hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó có 1 triệu tỷ đồng đang ở trong ngân hàng cùng với gần 500.000 tỷ đồng chưa phân bổ, thì sự lãng phí là bao nhiêu nếu như chúng ta không thực hiện quyết liệt từ nay đến cuối 2023 cũng như kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025.

Chúng ta còn lãng phí trong cải cách hành chính. Mặc dù Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính nhưng phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây nhất cũng phản ánh một điều, qua kiểm tra các bộ, ngành, địa phương cũng đã để phát sinh hàng nghìn thủ tục mới. Ví dụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo có tới 20% các địa phương trong thời gian năm 2022... “không làm gì”. Đây là số liệu chúng ta cần tham khảo.

Số liệu cho thấy, riêng năm 2022 có đến 143.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và quý I.2023 số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập, 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và chỉ có 57.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Đây là tình trạng rất báo động và là hậu quả của việc chúng ta cải cách hành chính chưa thành công. Điều trên hết tôi muốn phát biểu, đó là chúng ta cũng đang lãng phí niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền trong giải quyết công việc để phục vụ nhân dân.

Cho nên, về giải pháp, chúng ta phải rất công tâm, khách quan trong việc đánh giá chuyện các địa phương hỏi các bộ, ngành và các bộ, ngành trả lời các địa phương... Cùng với đó, cần nhanh chóng khắc phục thể chế để cá nhân hóa trách nhiệm đến từng cấp lãnh đạo, từng cán bộ để thay đổi môi trường đầu tư hiện nay, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức; để chúng ta có cơ chế khuyến khích và rõ ràng chúng ta cũng phải chứng minh rằng, cán bộ của chúng ta cũng không hẳn là đẩy việc lên cấp trên mà có tình trạng những quy định của pháp luật chưa rõ.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương):
Ưu tiên cho kiến tạo phát triển hơn là quản lý

Năng lực dự báo và phản ứng chính sách phải kịp thời, hiệu quả hơn

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách có rất nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết của Luật đến nay vẫn chưa được ban hành. Điều này làm cho luật không đi vào thực tế, gây cản trở sự phát triển của đất nước; vì vậy, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm căn cứ để đánh giá hiệu quả của các bộ, ngành trung ương hàng năm và căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Sáu tới, vì đây là nhiệm vụ đột phá do Đảng đề ra nhưng hàng năm vẫn chậm thì có phải do kỷ luật, kỷ cương trong hoàn thiện thể chế, chính sách chưa nghiêm. Tiếp xúc với cử tri là doanh nghiệp và người dân trước Kỳ họp thứ Năm, cử tri yêu cầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước phải kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng việc sửa đổi thể chế pháp luật của Chính phủ và bộ, ngành, theo hướng ưu tiên cho kiến tạo phát triển hơn là quản lý.

Đề nghị trên cơ sở những lĩnh vực cử tri bức xúc nhất trước mỗi kỳ họp, Quốc hội cần nghiên cứu bố trí thảo luận và phân tích sâu theo từng nhóm lĩnh vực, tránh dàn trải để đánh giá có cần thiết phải sửa thể chế hay không, hay cần có giải pháp gì để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trách nhiệm này thuộc về ai? Đồng thời đưa giải pháp vào danh mục những công việc cần làm ngay trong Nghị quyết của kỳ họp, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công giám sát chặt chẽ việc thực hiện và công khai kết quả cho cử tri được rõ. Việc hoàn thiện thông tư, nghị định càng lâu bao nhiêu thì doanh nghiệp, người dân thiệt hại bấy nhiêu, lãng phí nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của đất nước.

Mặt khác, với khối lượng thể chế cần hoàn thiện rất lớn, nhưng con người và nguồn lực hiện nay còn hạn chế, cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật lập pháp tiên tiến, hiện đại để phát hiện nhanh các mâu thuẫn, chồng chéo và sửa đổi, bổ sung kịp thời các thể chế, chính sách, nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Đề nghị Quốc hội quy định rõ chế tài, trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không thực tế, thiếu khả thi hoặc chậm ban hành, sửa đổi, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp...

Cử tri cả nước đang rất kỳ vọng vào Quốc hội khóa XV hiệu lực, hiệu quả; một Chính phủ hành động, kiến tạo cho sự phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, năng lực dự báo và phản ứng chính sách của nhà nước phải kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre):
Chậm, nợ ban hành văn bản làm tắc con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân

Năng lực dự báo và phản ứng chính sách phải kịp thời, hiệu quả hơn

Qua đánh giá cho thấy, tình hình công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết vẫn tiếp tục còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Đơn cử việc nợ, chậm ban hành văn bản thuộc lĩnh vực do Ủy ban Xã hội phụ trách qua kỳ giám sát theo hướng dẫn của Nghị quyết 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, một số nội dung văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn ban hành, tình trạng nợ ban hành văn bản hướng dẫn vẫn còn tồn tại, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng còn 12 nội dung, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia còn 1 nội dung, Luật Người cao tuổi còn 2 nội dung, Luật Người khuyết tật còn 1 nội dung, Luật về An toàn vệ sinh lao động còn 1 nội dung...

Việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng người có công với cách mạng, nhóm đối tượng yếu thế, người già, người khuyết tật, các nội dung bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động trong quy định tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, chưa kể đến việc ban hành chậm, muộn thì ở cấp cơ sở phải đối mặt với nhiều bất cập trong thực tiễn, khó trong bố trí nguồn lực để thực thi. Mặc dù khó có thể cân, đong, đo, đếm được những trở ngại, thiệt thòi của nợ, chậm ban hành văn bản trong thời gian qua, nhưng có thể cho thấy hệ thống văn bản chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm tắc con đường chính sách của nhà nước đến với người dân; hơn tất cả không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức, trách nhiệm.

Ai cũng biết quy trình xây dựng và trình các văn bản luật đều theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình xây dựng, lấy ý kiến, hoàn thiện và thông qua Quốc hội là cả một thời gian dài và các bộ, ngành đều có sự chuẩn bị trước hệ thống các văn bản dưới luật, quá trình thảo luận, lấy ý kiến đều có thể thay đổi, bổ sung nhưng hầu như không phải là thay đổi 180 độ để các cơ quan chủ trì phải quá bất ngờ. Do vậy, vì sao chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các ý kiến, kiến nghị đã được nêu tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề được nêu trong các báo cáo thẩm tra, các nội dung chất vấn, kết quả thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành đối với cử tri, để khắc phục có tính chất hệ thống hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, góp phần hoàn thiện thể chế đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân trong tiếp cận chính sách và pháp luật.

Tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất; khẩn trương xây dựng các đề án, lộ trình cụ thể để thực hiện cải cách tiền lương, tạo động lực cho bộ máy hành chính, cho cán bộ, công chức, viên chức cống hiến và yên tâm công tác, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Nguyễn Vũ lược ghi