Dư âm Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV

Giảm thuế VAT 2% giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

- Thứ Sáu, 30/06/2023, 13:55 - Chia sẻ

17 dự án luật và 17 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm là khối lượng công việc rất lớn với nhiều quyết sách quan trọng. Trong đó, việc giảm thuế VAT 2% chính là nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển. Để các quyết sách và nguồn lực Quốc hội được sử dụng hiệu quả, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường TRẦN VĂN KHẢI cho rằng, cần thực hiện ngay vai trò giám sát quá trình thực thi của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Những con số ấn tượng, kỷ lục nhất từ trước đến nay

- Ngay sau bế mạc Kỳ họp thứ Năm, các đại biểu Quốc hội đã và đang khẩn trương tiến hành hoạt động tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp. Với cá nhân ông, dấu ấn và quyết sách nổi bật nào của Quốc hội sẽ được ưu tiên báo cáo với cử tri?

- Như chúng ta đều biết, sau 23 ngày làm việc và hai đợt họp, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Năm đã hoàn thành toàn bộ các nội dung, chương trình đề ra, với kết quả có thể nói là "thành công hơn mong đợi". Có được kết quả đó chắc chắn là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, khoa học, hợp lý về nội dung và chương trình Kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian kỳ họp được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa để tiết kiệm thời gian, chi phí và đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng các nội dung của kỳ họp, phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước. Riêng công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua và cho ý kiến 17 dự án luật, 17 dự thảo nghị quyết. Có thể nói, đây là khối lượng công tác lập pháp lớn nhất từ trước tới nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Tại Kỳ họp, đã có 1.533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 3 phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; 1.415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận tại Hội trường; 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, kỷ lục nhất lớn nhất từ trước đến nay trong hoạt động của Quốc hội.

Với những kết quả, con số ấn tượng và dấu ấn nổi bật của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, có cơ sở để khẳng định và tin tưởng rằng, hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ tiếp tục ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

-  Qua xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình những tháng đầu năm 2023, tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã đưa ra 10 nhiệm vụ với Chính phủ về nội dung này. Để triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ này, theo ông cần chú ý vấn đề gì?

- Theo các báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng của nước ta giảm với tốc độ lao dốc từ 13,7% vào quý III xuống còn 5,9% vào quý IV.2022 và chỉ còn 3,3% vào quý I.2023. Hầu hết các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau đều rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, đình hoãn sản xuất dẫn đến người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Không ít doanh nghiệp đã phải sử dụng những đồng tiền cuối cùng để trang trải và đang trả lãi suất vay vốn cao.

Nền kinh tế nước ta đang gặp 2 khó khăn lớn. Khó khăn đầu tiên là hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19, khó khăn thứ hai là giảm “cầu” từ bên ngoài. Nhưng theo tôi, có thêm khó khăn lớn khác từ chính nội tại, đó là sự suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Câu hỏi lớn đặt ra là: Ai đang thực sự đồng hành cùng người dân và các doanh nghiệp trong lúc này? Đây chính là một trong những lý do mà tại Kỳ họp thứ Năm, tôi đề nghị Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ cũng như trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và sự vận hành của bộ máy chính quyền các cấp hiện nay; từ đó chỉ được ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, tồn tại nào thuộc về quy định của pháp luật, hạn chế nào do khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Có như vậy, chúng ta mới đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh "điểm nghẽn", vướng mắc cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.  

Giảm 2% thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

 - TrongNghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Việc giảm thuế này được thực hiện từ ngày 1.7 đến hết năm 2023. Theo ông, chính sách này sẽ tác động thế nào đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế?

- Trong Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã quyết nghị thực hiện giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ ngày 1.7 đến hết 31.12.2023. Mục tiêu xây dựng chính sách giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Khi thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, giải pháp giảm thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân được khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện trong năm 2023, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15, việc tiếp tục giảm thuế VAT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

- Khâu thực thi có vai trò quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của chính sách, pháp luật. Thời gian tới, cần chú ý những vấn đề gì để các quyết sách cũng như nguồn lực đã được Quốc hội phân bổ tại kỳ họp này được sử dụng hiệu quả, thưa ông?

- Để các quyết sách và nguồn lực đã được phân bổ tại kỳ họp này được sử dụng hiệu quả, các đại biểu Quốc hội cần thực hiện ngay vai trò giám sát quá trình thực thi của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương trong thực thi các Nghị quyết, quyết định của Quốc hội tại Kỳ họp này nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh tại các địa phương.

Phải coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Có như vậy, các quyết sách và nguồn lực được Quốc hội phân bổ tại kỳ họp này mới phát huy được hiệu quả.

- Xin cám ơn đại biểu!

Lê Bình thực hiện
#