Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội

Cộng đồng trách nhiệm với nguyện vọng của người lao động

- Thứ Tư, 07/06/2023, 06:04 - Chia sẻ

Đúng như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, phiên họp đối với nhóm vấn đề đầu tiên đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của cả đại biểu và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Rất nhiều vấn đề đúng, trúng tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri và Nhân dân đã được thẳng thắn đặt ra, làm rõ; nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực cũng đã được bật ra. Nhất là với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề và khắc khục tình trạng rút BHXH một lần có chiều hướng tăng lên.

Kỳ vọng chuyển biến thực sự trong đào tạo nghề

Xoay quanh nội dung trả lời chất vấn về công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn và lĩnh vực trọng điểm, cùng với khẳng định 85% học sinh ra trường nghề có việc làm, được ưu tiên tìm việc, đào tạo thêm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận: kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,4% tính đến quý I.2023. Bộ trưởng khẳng định tỷ lệ của Việt Nam không phải quá thấp, nhưng thấp hơn so với các nước đang phát triển, tuy nhiên cũng thẳng thắn thừa nhận, điều quan trọng là cơ cấu lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp hơn, cần điều chỉnh trong thời gian tới.

Cộng đồng trách nhiệm với nguyện vọng của người lao động -0
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho rằng, việc đào tạo nghề cho lao động và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải bàn thảo kỹ. Cử tri đồng tình với chất vấn của ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) khi đặt vấn đề có cần thiết xây dựng công cụ đánh giá trình độ của bộ phận lao động không? Bởi theo đại biểu, tiêu chí đánh giá công nhận trình độ hiện nay chủ yếu trên văn bằng, chứng chỉ, nên chỉ số lao động qua đào tạo theo tỉ lệ % chưa cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận chưa qua trường lớp nhưng vẫn là người tạo ra năng suất lao động. Cử tri đánh giá cao khi Bộ trưởng rất thẳng thắn cho rằng, đào tạo có chứng chỉ mới là một yếu tố, điều quan trọng là tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả lao động, Bộ đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, có công cụ, tiêu chí đánh giá công nhận chứng chỉ nghề nghiệp thời gian tới.

Đồng tình với Bộ trưởng khi lý giải về những vướng mắc trong công tác đào tạo nghề, tuy nhiên, cử tri Lê Văn Huân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk lại không cho rằng mô hình vừa học văn hóa, vừa học trường nghề sau tốt nghiệp THCS mang lại hiệu quả cao, bởi việc học tại các trường nghề chưa phải là lựa chọn hàng đầu của học sinh phổ thông. Nhất là hiện nay, chương trình học văn hóa của học sinh còn nặng về kiến thức.

Theo cử tri Lê Văn Huân, mấu chốt vẫn là vấn đề chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và việc phân luồng. Có một thực tế như Bộ trưởng phân tích, đó là chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; cơ cấu nghề đào tạo theo các ngành, nghề còn bất cập. “Mổ xẻ kỹ ra còn nhiều điểm “nghẽn”, trong đó vướng mắc rõ nét nhất là chất lượng giáo viên và trang thiết bị dạy nghề; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu học viên, không đủ kinh phí tự chủ, cá biệt có không ít cơ sở phải chuyển đổi, cho thuê trụ sở để có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Do đó, ngành lao động, thương binh và xã hội cần tham mưu để có một lộ trình rõ ràng trong đào tạo nghề, phải làm sao để đây là lựa chọn hàng đầu, ưu tiên của học sinh và người lao động trong tương lai” - cử tri Lê Văn Huân bày tỏ.

Đánh giá cao sự thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi nhấn mạnh điều Bộ quan tâm thời gian tới là công tác đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường, phải làm quyết liệt hơn vấn đề dự báo cung cầu và chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần tiến hành liên kết, kết hợp cũng như đặt hàng được với doanh nghiệp. Như vậy, khi học sinh, sinh viên được đào tạo ra mới có việc làm. Cử tri Lê Anh Lương, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương kỳ vọng, ngành lao động, thương binh và xã hội có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để tạo chuyển biến thực sự trong công tác đào tạo nghề hiện nay.

Tiếp tục có các gói hỗ trợ người lao động

Trả lời chất vấn về nhóm vấn đề BHXH, trong đó nổi lên tình trạng rút BHXH một lần thời gian qua tăng lên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như: sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí.

Đồng tình với các giải pháp tích cực Bộ trưởng đề ra, cử tri Phạm Hương, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhấn mạnh: một nguyên nhân cần phải kể đến mặc dù khách quan nhưng có tác động ảnh hưởng rất lớn chính là hậu quả do đại dịch Covid-19. Theo cử tri, đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến đời sống Nhân dân nói chung và người lao động nói riêng gặp khó khăn. Thất nghiệp, thiếu việc làm, các nhu cầu cần thiết chưa được bảo đảm buộc người lao động phải rút tiền để ứng phó với tình thế trước mắt. “Chúng tôi đồng tình với các quan điểm của đại biểu Quốc hội, đó chính là Nhà nước cần tiếp tục có các gói hỗ trợ cho người lao động như các nghị quyết trước đây đã từng ban hành. Giai đoạn này hết sức cần thiết để người lao động được vực dậy cả về cơm áo, gạo tiền lẫn tinh thần, quyết tâm, cống hiến” - cử tri bày tỏ.

Đa số cử tri qua trao đổi cho rằng các nội dung đại biểu chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri vào trong nghị trường. Bộ trưởng cũng rất chân thành, thẳng thắn, cầu thị khi đăng đàn trả lời; các giải pháp đưa ra thỏa đáng. Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng giải trình thêm rất rõ. “Mong rằng, các giải pháp, nhất là lời hứa các "tư lệnh" ngành đưa ra sẽ sớm được hiện thực hóa” - cử tri Lê Văn Thao, quận Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ mong muốn.

SONG NGUYÊN