Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi):

Có "van khóa" chống trục lợi và thâu tóm hợp tác xã

- Thứ Tư, 05/04/2023, 18:03 - Chia sẻ

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chưa đặt vấn đề chuyển nhượng vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quan tâm đến nội dung này tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay, các đại biểu cho rằng, quy định trên nhằm hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân. Tránh hiện tượng mua bán cổ phần tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, "doanh nghiệp hóa" hợp tác xã.

Liên minh hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu rất trách nhiệm, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tuy nhiên, để tiếp tục thể chế hóa quy định tại Nghị quyết 20/NQ - TW về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục làm rõ vai trò, vị trí của Liên minh hợp tác xã.

Có
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, tại Khoản 1, Điều 110 quy định “Tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong đó hệ thống liên minh hợp tác xã là nòng cốt, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan”. ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy, kinh tế tập thể, hợp tác xã được Đảng và Nhà nước khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nhưng trên thực tế, khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc xác lập tư cách của mỗi hình thức đối tượng thành viên, người lao động trong hợp tác xã, liên minh hợp tác xã chưa rõ, chưa tạo ra động lực để phát triển. Nhận thức về mô hình hợp tác xã kiểu mới còn rất hạn chế. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển, trong đó liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể… Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của liên minh hợp tác xã các cấp.

Với lý lẽ như vậy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị, cần làm rõ vai trò, vị trí pháp lý của liên minh hợp tác xã không phải tổ chức quần chúng và cũng không phải là tổ chức hội đặc thù mà là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20 - NQ/TW. Đó là củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện liên minh hợp tác xã là các tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát huy vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin vận động thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể.

Vừa có “van khóa”, vừa tạo điều kiện chuyển nhượng vốn góp

Một trong những quy định còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đặt vấn đề chuyển nhượng vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là không thuyết phục. Bởi lẽ, vốn góp của các thành viên đóng góp vào các tổ chức kinh tế tập thể là tài sản. Quyền tài sản đối với mỗi cá nhân, tổ chức phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, không nên giới hạn quyền chuyển nhượng vốn góp của các chủ thể đóng góp tài sản hình thành tài sản của tổ chức kinh tế tập thể. Trong trường hợp khi chuyển nhượng làm thay đổi tính chất của tổ chức kinh tế tập thể, không còn tính chất hợp tác xã, thì nên cho phép chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp.

Có
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bản chất của hợp tác xã là sự liên kết, tương tác, tương trợ của các cá nhân, tổ chức trong từng sản phẩm, dịch vụ để mang lại hiệu quả kinh tế chung cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Dưới góc độ này, các ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ma Thị Thúy... cho rằng, không cần thiết mở rộng đối tượng góp vốn. Việc dự thảo Luật quy định cho phép các thành viên chuyển nhượng vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm tránh hiện tượng mua bán cổ phần tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, “doanh nghiệp hóa" hợp tác xã, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ban soạn thảo dự án Luật đã cố gắng làm “van khóa” để tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên. Thực tế thời gian qua, đã có câu chuyện, cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được chuyển vốn góp, sau đó chuyển đổi và thâu tóm. Do đó, Ban soạn thảo chỉ quy định chuyển nhượng vốn góp trong nội bộ các thành viên hiện hữu, chưa cho phép chuyển nhượng vốn góp ra bên ngoài, và có quy định thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Trường hợp hợp tác, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ. Đây là sự nỗ lực của Ban soạn thảo nhằm đưa ra “van khóa” chống hiện tượng trục lợi và thâu tóm, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Với các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu và hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới đây.

Anh Thảo
#