Có nhiều dư địa để tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng

- Thứ Năm, 13/06/2024, 16:01 - Chia sẻ

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV) tại phiên họp sáng 13.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vẫn có nhiều dư địa để đồng tình với việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2024 như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách cần bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.  

Đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1.7.2024 đến hết 31.12.2024). Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị cho phép xây dựng nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy này.

Có nhiều dư địa để tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng -0
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Mục tiêu của việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Qua thẩm tra sơ bộ, trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn 2 luồng quan điểm. Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng như đề xuất của Chính phủ với các lý do như đã nêu tại Tờ trình để kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, loại ý kiến thứ hai không đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Bởi, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,6% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì chỉ tăng 7,1%; năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của quý I.2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì chỉ tăng 5,1% - thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP 5,66% của quý I.2024. Điều này cho thấy, mặc dù thuế giá trị gia tăng được giảm, song đến thời điểm hiện nay đã không còn phát huy tác dụng kích cầu tiêu dùng do sức mua và khả năng tiêu dùng trong nước của người dân đã giảm sút đáng kể. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách này.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện nghiêm; không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội..., khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn quy định. Nhưng ngay trong Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ mới gửi Tờ trình đề nghị bổ sung dự án nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây cũng là những cố gắng của các cơ quan liên quan của Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục thực hiện giảm thuế.

Bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán

Thống nhất với đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, vẫn có nhiều dư địa để đồng tình với việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2024. Nêu thực tế nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi, còn rất nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo động lực chi tiêu cho người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng giúp đối tượng nộp thuế có động lực sớm phục hồi, tiếp tục duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng thu ngân sách trong thời gian tới. 

Đồng ý trình Quốc hội xem xét, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thống nhất bổ sung nội dung này vào chương trình Kỳ họp. Vì thế, cơ sở pháp lý để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đã có đầy đủ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc sẽ sắp xếp nội dung này trong chương trình Kỳ họp như thế nào, có bố trí để Quốc hội thảo luận hay không, vì việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, rất nhiều ý kiến đề nghị xung quanh vấn đề này.

Có nhiều dư địa để tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, Báo cáo của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách hiện đang là báo cáo thẩm tra sơ bộ và còn 2 luồng ý kiến, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị khi có Báo cáo thẩm tra chính thức cần thể hiện rõ quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với nội dung này. 

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị khi thẩm tra chính thức, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần cho thấy rõ ý kiến nào là chiếm đa số. Hiện nay, số liệu phản ánh và giải trình của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách về hai luồng ý kiến còn chưa cân đối.

Trong phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời lưu ý, việc tổ chức thực hiện chính sách cần bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ chịu trách nhiệm điều hành thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện đúng tiến độ việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng. “Đặc biệt lưu ý quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Áp dụng mức thuế suất hợp lý, tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Minh Trang
#