Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng:

Cho phép thử nghiệm có kiểm soát thì cần có điều khoản miễn trừ trách nhiệm

- Thứ Tư, 12/06/2024, 16:17 - Chia sẻ

Đã cho phép thử nghiệm - là vấn đề mới, thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro chưa lường trước được. Do đó, tại phiên họp sáng 12.6 về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, đã cho phép chính sách đặc thù về thử nghiệm có kiểm soát thì cần có điều khoản miễn trừ trách nhiệm, nhưng nên nghiên cứu chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, không miễn trừ trách nhiệm hình sự. 

Cho ý kiến 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Lo ngại sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng tại phiên họp sáng 12.6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cho phép thử nhiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới là nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn trừ trách nhiệm dân sự theo hướng quy định theo Điều 23 của Luật Khoa học công nghệ về miễn thiệt hại đối với Nhà nước; tuy nhiên, đối với thiệt hại cho công dân, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng UBND TP. Đà Nẵng hỗ trợ bồi thường từ ngân sách. Có ý kiến đề nghị trước khi thực hiện trong từng năm, UBND TP. Đà Nẵng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, chấp thuận danh mục thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới.

Rà soát kỹ, không quy định lại những nội dung đã được luật định
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc quy định này, vì việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong dự thảo Nghị quyết sẽ có thể dẫn đến tùy tiện, lạm dụng trong áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật. "Việc miễn trừ áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm pháp lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu rõ. 

Hơn nữa, việc quy định như dự thảo Nghị quyết: “Cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm và cán bộ trực tiếp hướng dẫn được miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trừ trường hợp đã biết về nguy cơ rủi ro nhưng không có biện pháp phù hợp ngăn ngừa”; “Tổ chức, cá nhân thử nghiệm được miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật… trừ trường hợp đã biết về nguy cơ rủi ro..,”, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách là khó áp dụng, khó xác định như thế nào là “đã biết”, “chưa biết”, dẫn đến không xử lý được hành vi sai trái.

Cho ý kiến 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo cũng không làm rõ thẩm quyền xác định vi phạm, thẩm quyết quyết định miễn trừ là không bảo đảm tính minh bạch, thiếu căn cứ trong tổ chức thực hiện.

Với các lý do trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị tiếp thu ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội, bỏ quy định về miễn trừ trách nhiệm trong dự thảo Nghị quyết. 

Không miễn trừ trách nhiệm thì không khả thi

Cho rằng cần quy định miễn trừ trách nhiệm nhưng ở giới hạn và mức độ nhất định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, “không thực hiện miễn trừ trách nhiệm hình sự, nhưng có thể miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với Nhà nước; dân sự với dân thì không được miễn trừ, nếu dân sự với dân được miễn trừ thì Nhà nước phải bỏ tiền ra bù”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù cho dân, chứ không miễn trừ được; nếu Nhà nước cho phép miễn trừ thì Nhà nước phải đền bù cho dân. 

Rà soát kỹ, không quy định lại những nội dung đã được luật định
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

"Chúng ta có miễn trừ, nhưng miễn trừ ở phạm vi phù hợp và đúng nguyên tắc, miễn trừ do Nhà nước quy định thì Nhà nước chịu trách nhiệm để tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, miễn trừ nhưng không làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác ngoài Nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, khi xây dựng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thì có 2 vấn đề các cơ quan đề xuất: một là, miễn trừ trách nhiệm hoặc áp dụng pháp luật; hai là, kinh phí cho các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân tích, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có những việc đi trước pháp luật. Tại Điều 23 Luật Khoa học và Công nghệ quy định: “Được miễn trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học”; tại Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát của Hà Nội và Điều 68 dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và đều có xem xét miễn trừ trách nhiệm.

Về kinh nghiệm quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, khi xây dựng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đều có chỉ rõ miễn trừ điều nào, luật nào và trong thời gian bao lâu.

Cho rằng, nếu không miễn trừ trách nhiệm thì cán bộ sẽ không dám làm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nên quy định về miễn trừ trách nhiệm để động viên, khuyến khích sáng tạo, làm những cái mới, nhưng cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn miễn trừ như thế nào.

Đơn cử, miễn trừ dân sự đối với Nhà nước hay đối với người dân. Nếu của Nhà nước thì Nhà nước bỏ tiền ra bồi thường, vấn đề thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi thử nghiệm công nghệ mới cần phải bồi thường thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có tiền để bồi thường những trường hợp nảy sinh không theo các kỳ vọng của mình.

"Quy định miễn trừ trách nhiệm, nhưng phải khoanh định ở trong một phạm vi và bảo đảm chặt chẽ”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh. 

Cho ý kiến 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thống nhất nếu cho phép có chính sách đặc thù về thử nghiệm có kiểm soát thì phải có điều khoản miễn trừ trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, hai quy định này như hình với bóng và đã là thông lệ quốc tế.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thử nghiệm có kiểm soát ở Đà Nẵng chỉ áp dụng đối với các giải pháp công nghệ mới, không rộng như dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, đã cho phép thử nghiệm thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro, vì là vấn đề mới nên chúng ta chưa lường trước được. Nếu không có điều khoản nào về miễn trừ trách nhiệm thì không ai dám làm và cũng không khả thi.

Rà soát kỹ, không quy định lại những nội dung đã được luật định
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Song cần rà soát để quy định chặt chẽ theo hướng chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, chứ không miễn trừ trách nhiệm hình sự", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị. 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nên nghiên cứu áp dụng miễn trừ, chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, không miễn trừ trách nhiệm hình sự, nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ.

Anh Thảo
#