Dự luật cấm đấu bò tót với số hiệu 93-2 đã được Quốc hội Colombia thông qua, sau nhiều năm tranh cãi. Các nhà hoạt động vì động vật đã dành nhiều năm vận động Chính phủ cấm môn thể thao đẫm máu, vốn là một truyền thống thời thuộc địa kéo dài hàng thế kỷ ở nước này.
Lệnh cấm sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong khoảng thời gian ba năm, theo đó nhà nước sẽ hỗ trợ cho hàng chục nghìn người sống phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào lĩnh vực này có các công việc thay thế.
Juan Carlos Losada, một nhà lập pháp của đảng Tự do, nói với Al Jazeera rằng lệnh cấm sẽ cho phép đất nước đánh giá lại “văn hóa bạo lực” mà họ đã kế thừa. Ông nói: “Các thế hệ tiếp theo sẽ lớn lên ở một đất nước nơi văn hóa sẽ định nghĩa mọi thứ một cách sáng tạo hơn nhiều so với việc tra tấn động vật để mua vui cho một số người vô cảm”.
Tuy nhiên, những người đam mê đấu bò mô tả lệnh cấm là hành động tấn công vào quyền tự do của người thiểu số, đồng thời là một vấn đề kinh tế đối với các thành phố nơi những sự kiện này thu hút hàng nghìn du khách.
Đấu bò từng là một sự kiện nổi tiếng ở Colombia, được tường thuật trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình. Nhưng truyền thống này ngày càng bị giám sát chặt chẽ khi quan điểm về phúc lợi động vật thay đổi, và nhiều người thấy không thể chấp nhận được việc hành hạ động vật vì mục đích giải trí.
Năm 2018, Tòa án Hiến pháp Colombia đã công nhận đấu bò là một phần truyền thống văn hóa của Colombia. Nhưng Thủ đô Bogota - một trong những thành phố đấu bò lâu đời nhất ở châu Mỹ - đã cấm hành vi làm bị thương hoặc giết chết bò đực. Thành phố Medellin cũng áp đặt các hạn chế.
Tập tục này vẫn phổ biến ở các thành phố như Cali và Manizales. Khoảng 300 sự kiện được tổ chức hàng năm tại khoảng 70 địa điểm ở Colombia.
Đấu bò có nguồn gốc từ Bán đảo Iberia và vẫn hợp pháp ở 7 quốc gia khác là Ecuador, Pháp, Mexico, Peru, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Venezuela.
Các quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latin, bao gồm Brazil, Chile, Argentina, Uruguay và Guatemala, đã cấm môn thể thao đẫm máu này.