Hiện cả nước có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, thuộc 7 lĩnh vực. Các phòng thí nghiệm trọng điểm nói trên được đặt tại 13 viện nghiên cứu, 3 trường đại học thuộc 8 Bộ, ngành và 1 tổng công ty. Các phòng thí nghiệm này được đầu tư nguồn ngân sách tương đối cao, với mức đầu tư từ 3 - 5 triệu USD/phòng, có phòng thí nghiệm được đầu tư đến 8 triệu USD. Các nhà quản lý, nhà khoa học đều khẳng định việc thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm là một chủ trương đúng đắn để tập trung đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu cho những hướng nghiên cứu mũi nhọn có tính chiến lược mà khó có thể thực hiện nếu dàn trải trong các phòng thí nghiệm nhỏ lẻ.
Được kỳ vọng là “quả đấm thép” của ngành KHCN, tạo ra bước phát triển đột phá, tuy nhiên, đánh giá chung của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, qua 15 năm đầu tư, các phòng thí nghiệm trọng điểm mới dừng ở mức có đóng góp cho ngành KHCN và số phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phòng thí nghiệm chưa thu hút được những nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học giỏi nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động. Đến nay, hầu hết các phòng thí nghiệm đã lạc hậu và nhiều máy móc thiết bị trang bị cho các phòng thí nghiệm đã hết khấu hao.
Quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành phù hợp với định hướng phát triển KHCN quốc gia và đáp ứng yêu cầu hoạt động KHCN của các ngành, các vùng, các lĩnh vực KH và hướng đến công nghệ ưu tiên. - Đề án tái cơ cấu ngành KHCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. |
Mặc dù quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt Đề án xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lựa chọn và gửi các cán bộ có phẩm chất và năng lực đi đào tạo, bồi dưỡng ở những nước có nền KHCN tiên tiến để có nguồn nhân lực cho hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm nhưng dường như yêu cầu này chưa được thực hiện có hiệu quả. Do đó, các phòng thí nghiệm trọng điểm mới chỉ tập trung xây dựng và mua sắm trang thiết bị, còn yếu tố con người, bao gồm các chuyên gia đầu ngành, uy tín và các đề tài, dự án triển khai chưa được chú trọng đúng mức, dẫn tới nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm chỉ hoạt động như những đơn vị cung cấp thiết bị phục vụ nghiên cứu!
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thời gian qua đã mang trong mình 3 yếu điểm khiến cho việc thực hiện các mục tiêu chưa được như ý muốn. Yếu điểm thứ nhất, quá trình đầu tư xây dựng quá dài, có nhiều phòng thí nghiệm thời gian xây dựng kéo dài hàng 5 - 6 năm, nên những máy móc, trang thiết bị đầu tư thiếu đồng bộ, khi đi vào hoạt động thì không phải là những thiết bị tiên tiến, hiện đại. Chưa kể, trong quá trình đầu tư xây dựng lại không có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tư vấn, thẩm định các thiết bị, công nghệ trang bị nên nhiều thiết bị lạc hậu.
Điểm yếu thứ hai, quan điểm khi xây dựng chính sách của Chính phủ là các phòng thí nghiệm trọng điểm được hoạt động theo phương thức mở, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sử dụng tối đa hiệu suất của máy móc thiết bị và năng lực của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, thực tế triển khai, các viện, trung tâm quản lý phòng thí nghiệm lại đóng kín, coi phòng thí nghiệm là của đơn vị mình, không sẵn sàng mở cửa cho các nhà khoa học bên ngoài, các nhà khoa học ở các đơn vị khác. Dẫn tới các đơn vị khác phải trang bị máy móc, thí nghiệm. Dẫn tới trên cùng một địa bàn nhưng rất nhiều máy móc đắt tiền chỉ sử dụng 10 - 20% hiệu suất, tính năng của thiết bị. Chính không thực hiện cơ chế mở nên hiệu quả sử dụng của thiết bị các phòng thí nghiệm trọng điểm thấp.
Điểm yếu thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, qua thời gian dài các phòng thí nghiệm trọng điểm đi vào hoạt động, các Bộ, ngành chủ quản các phòng thí nghiệm không thực sự quan tâm, không giao nhiệm vụ. Bộ Khoa học và Công nghệ nhiều khi sốt ruột phải chủ động đặt hàng các phòng thí nghiệm trọng điểm để họ vừa có tiền duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, vừa hoạt động nghiên cứu, có đóng góp về mặt khoa học cho lĩnh vực, cho ngành.
Chính 3 yếu điểm này khiến các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động không hiệu quả. Nhiều đơn vị quản lý không quan tâm, nên thiết bị hư hỏng, thất lạc. Cơ chế có, nhưng các đơn vị quản lý các phòng thí nghiệm trọng điểm không chịu xây dựng các biểu phí dịch vụ để mở cửa cho các nhà khoa học, cá nhân và doanh nghiệp thuê sử dụng dịch vụ. "Có thể nói, sức ỳ của những người quản lý các phòng thí nghiệm trọng điểm là điều đáng suy nghĩ. Nhà nước giao cho họ tài sản hàng trăm tỷ, tại sao họ không tạo ra từ tài sản ấy mỗi năm vài tỷ để trang trải hoạt động. Giả sử nguồn lực này mà giao cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý, vận hành thì chắc chắn sẽ được sử dụng hiệu quả, sản sinh ra nguồn lợi lớn hơn và có đóng góp nhiều hơn", Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ Vũ Trọng Bình, Bộ đang tiến hành xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá phòng thí nghiệm trọng điểm. Căn cứ vào đó, những phòng nghiên cứu nào mà đáp ứng được các tiêu chí thì sẽ được đưa vào danh mục các phòng nghiên cứu trọng điểm, được ưu tiên giao các nhiệm vụ KHCN quốc gia. Đồng nghĩa, những phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động chưa hiệu quả sẽ bị giảm bớt, nhằm tập trung nguồn lực cho những phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, chủ trương của Bộ là sẽ không đề xuất đầu tư mới các phòng thí nghiệm trọng điểm nếu như cung cách quản lý vẫn như hiện tại. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng tới hỗ trợ các Bộ, ngành thành lập các phòng thí nghiệm xuất phát từ nhu cầu của các Bộ, ngành. Các phòng thí nghiệm sẽ áp dụng cơ chế quản lý mở, tự chủ cao hơn để có hiệu quả hơn. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ được giao ngân sách trên cơ sở căn cứ vào thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, thay vì giao thường xuyên theo đầu biên chế như trước. Những quy định mới bắt buộc các phòng thí nghiệm phải tự đổi mới, vận động để tồn tại và phát triển.