
Khởi nguồn từ những năm 1970 với phong trào bảo vệ sinh thái, ngày nay, các lực lượng chống toàn cầu hóa tập hợp ngày càng đông những thành viên cánh tả mới ở các nước công nghiệp phát triển và những lực lượng bảo thủ. Họ chống lại chính sách tự do kinh tế, lo ngại toàn cầu hóa sẽ bào mòn các giá trị truyền thống về văn hóa hay tôn giáo. Qua việc các tổ chức xã hội đấu tranh vì môi trường và phát triển như Greenpeace, ATTAC và nhiều các tổ chức phi chính phủ (NGO) khác vươn hoạt động ra ngoài khuôn khổ biên giới các quốc gia đã làm cho phong trào được quốc tế hóa.
Sự kiện hàng trăm ngàn người thuộc nhiều tổ chức xã hội khác nhau kéo về Seattle biểu tình chống lại mặt trái của toàn cầu hóa nhân dịp Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO năm 1999 đã đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào chống toàn cầu hóa. Giờ đây, họ sử dụng chính thế mạnh của toàn cầu hóa như công nghệ thông tin, truyền thông, sự thuận lợi trong giao thông để thúc đẩy phong trào vươn ra toàn thế giới. Dễ dàng tụ tập và biểu tình nhờ sử dụng tin nhắn điện thoại giá rẻ, nhờ các chính sách dỡ bỏ các rào cản về di dân cũng như hệ thống phương tiện giao thông thuận tiện, các phong trào chống toàn cầu hóa đang bị cuốn vào vòng xoáy toàn cầu hóa. Ở bất kỳ nơi đâu diễn ra các sự kiện lớn của các quốc gia hoặc các tổ chức có tiếng nói quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa, ở đó có biểu tình chống toàn cầu hóa. Hàng năm, mỗi khi diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos diễn ra tại Thụy Sỹ, Diễn đàn Xã hội Thế giới cũng được tổ chức tại Porto Alegre, Mumbai và Nairobi với khẩu hiệu “một thế giới khác là có thể”.
Một khía cạnh khác của toàn cầu hóa chống toàn cầu hóa là hiện tượng bạo lực gia tăng giữa các lực lượng này với chính quyền các nước nơi diễn ra các kỳ hội nghị quan trọng. Trong những lần biểu dương lực lượng của phong trào chống toàn cầu hóa, sức nóng của chủ đề và nhiệt huyết của nhiều người đã biến chúng thành những cuộc đối đầu bạo lực với các lực lượng giữ gìn trật tự.
Hội nghị G8 năm nay tổ chức tại Đức cũng không nằm ngoài vòng xoáy của toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa. Rút kinh nghiệm từ các Hội nghị Thượng đỉnh G8 gần đây và đặc biệt là Hội nghị Genois năm 2001, năm nay, nước Đức đã chuẩn bị chu đáo để vừa bảo đảm quyền được biểu tình của các hội đoàn và của công dân, vừa bảo đảm các hoạt động của Hội nghị G8 không bị đình trệ. Nhưng những cố gắng này dường như chưa đủ tầm. Khi Hội nghị chưa khai mạc, gần 1.000 người đã bị thương khi xô xát với cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm 2.6 tại Rostock, thành phố láng giềng của Heiligendamm nơi diễn ra Hội nghị.
Toàn cầu hóa đã hiện hữu. Và đúng là sẽ phải tổ chức, điều hoà, quản lý toàn cầu hóa để mọi công dân có thể hưởng lợi từ nó. Ở đó, các chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách để môi trường, phát triển bền vững và sự công bằng được bảo đảm.
Vũ Hồng Hà