Việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ được thực hiện theo lộ trình
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tại các điều tương ứng điều chỉnh với từng loại hình tổ chức tín dụng: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.
Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), dự thảo Luật quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.
Về can thiệp sớm với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156.
Dự thảo Luật cũng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, khi phát hiện thì đã muộn khiến việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn, phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.
Cân nhắc quy định cho phép ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đánh giá cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe lẫn nhau giữa các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, qua đó đã thống nhất được nhiều nội dung lớn hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Các ĐBQH cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời đóng góp ý kiến với các quy định về chuyển tiếp, điều khoản thi hành, tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, dự phòng rủi ro, lãi dự thu, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay và cho vay đặc biệt, các quy định để minh bạch thông tin, ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Quan tâm đến việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu thực tế, tại các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý, "ép" khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng một năm từ 2% đến 4% giá trị khoản vay; nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Nhiều ngân hàng cũng gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí bảo hiểm nhân thọ trong 2 năm đầu khiến khách hàng phải bỏ thêm từ 4% đến 8% giá trị khoản vay. Như vậy, lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên từ 50% đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ bổ sung khoản 2, Điều 113 quy định “ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", thì sẽ không bảo đảm ngăn chặn được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.
"Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng dễ dàng đã khiến các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của ngân hàng thương mại, đặc biệt là nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ - một nghề đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều những ngành nghề kinh doanh khác.
Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các công ty bảo hiểm không có trụ sở bảo hiểm mà bán qua ngân hàng nên khách hàng gặp nhiều khó khăn khi có vấn đề cần giải quyết. Do vậy, cần cân nhắc quy định cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 161 của dự thảo Luật, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản chấm dứt can thiệp sớm với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng), quy định này sẽ làm thay đổi bản chất của can thiệp sớm, chuyển từ một cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.
Phân tích nội dung này, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, với cơ chế can thiệp từ sớm, Ngân hàng nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu, hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản chấm dứt can thiệp sớm. Quy định như dự thảo Luật có thể gây bất lợi của tổ chức tín dụng, từ đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền. Do đó, đại biểu đề nghị, giữ nguyên quy định về can thiệp sớm như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu hoặc bỏ quy định “Ngân hàng nhà nước có văn bản chấm dứt can thiệp sớm” tại Điều 161 dự thảo Luật.
Tán thành với quan điểm trên, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) lưu ý, bản chất từ “can thiệp sớm” đã thể hiện Ngân hàng Nhà nước làm trước một số biện pháp để bảo đảm đưa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động bình thường trước khi bắt buộc phải thực hiện một quyết định hành chính chính thức khi rơi vào giai đoạn phải kiểm soát đặc biệt. Do vậy, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, tại dự thảo Luật không nên quy định việc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định và rút quyết định can thiệp sớm.