Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân; Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Phạm Văn Lập cùng các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW được TP. Hải Phòng triển khai thực hiện quyết liệt, bảo đảm tiến độ đề ra. Qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm đầu mối.
Cụ thể, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố năm 2023 so với năm 2015 giảm 193 đơn vị, đạt tỷ lệ 19,1%. Từ năm 2015 đến năm 2023 đã thực hiện giải thể 21 đơn vị hoạt động không hiệu quả. Về kết quả quản lý biên chế và tinh giản biên chế, giai đoạn 2015 - 2021, Hải Phòng đã giảm 4.445 người so với số người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015, đạt tỷ lệ 11,83% (vượt tỷ lệ 1,83% so với Nghị quyết). Tính đến hết ngày 31.12.2023, TP. Hải Phòng đã thực hiện việc chuyển tự chủ cho 561/815 đơn vị, trong đó có 11 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 58 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và 492 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng cho biết, các đơn vị sự nghiệp của thành phố chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nên quá trình thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi cơ chế tài chính gặp nhiều khó khăn. Từ thực tiễn triển khai trên địa bàn, UBND TP. Hải Phòng đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, quy định cụ thể việc giao vốn, giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để các đơn vị thực hiện quản lý theo mô hình doanh nghiệp.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của UBND TP. Hải Phòng và kết quả thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW được triển khai thực hiện quyết liệt, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra cả về số lượng và tiến độ.
Các ý kiến trong Đoàn giám sát cũng đề nghị Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đánh giá sâu hơn, chỉ ra rõ hơn văn bản nào chậm ban hành hướng dẫn, trách nhiệm của bộ, ngành nào và trách nhiệm của địa phương đến đâu; đánh giá thêm những vấn đề về tự chủ, ngân sách nhà nước bảo đảm cho các lĩnh vực đặc thù như giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ… Một số nhiệm vụ trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế cần nghiên cứu theo hướng có cơ chế đáp ứng đặc thù địa phương.
Cho rằng, trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thì các đơn vị y tế và giáo dục chịu nhiều tác động nhất, nhiều thành viên Đoàn giám sát đề nghị Hải Phòng cần đánh giá thực chất hơn việc sáp nhập, những thuận lợi, khó khăn khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn tới, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo sau sáp nhập.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, sâu sắc, cụ thể; báo cáo được chuẩn bị công phu, đáp ứng yêu cầu đặt ra, giúp Đoàn giám sát nắm bắt được nhiều thông tin và tình hình thực tế tại địa phương. Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả TP. Hải Phòng đã đạt được trong giai đoạn 2018 – 2023, công tác triển khai rất nghiêm túc, có sự thống nhất, đồng thuận từ cấp ủy đến chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và cả hệ thống chính trị của Thành phố.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của địa phương để nghiên cứu, trao đổi cụ thể với các bộ, ngành, Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị TP. Hải Phòng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế; cùng với sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập cần quan tâm, đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có thể xã hội hóa, tổ chức các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung cấp dịch vụ công.