Cùng dự về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Đoàn khảo sát của Nhóm tổng kết 3 về Nội dung thứ 4 "Các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người" làm việc, khảo sát thực tế và toạ đàm khoa học tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng ta. Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển là yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu, chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình đổi mới, với những quan điểm chỉ đạo sâu sắc về phát triển văn hóa, xã hội và con người, sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội và con người đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước.
Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác chưa đáp ứng yêu cầu; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cũng là vấn đề bức xúc.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển Văn hóa - Xã hội và Con người trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đặt nhiệm vụ đi sâu nghiên cứu, đánh giá giai đoạn 10 năm gần đây, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thừa Thiên Huế là một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có thành phố Huế là cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival và theo quy hoạch là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước. Có thể nói, Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là trọng điểm về quốc phòng, an ninh của Quốc gia.
Trong thời kỳ đổi mới, nhất là 10 năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng xanh và bền vững. Tỉnh cũng đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW năm 2019, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 54-NQ/TW).
Gợi mở một số nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về phạm vi, nội dung tổng kết cần tập trung đánh giá, làm rõ sự phát triển nhận thức của Đảng bộ Thừa Thiên Huế về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam từ 1986 đến nay (tập trung vào 10 năm gần đây), bao gồm: nhận thức về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam qua các kỳ Đại hội và trong các Nghị quyết có liên quan; đánh giá sự phát triển về nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội và xây dựng con người Việt Nam. Đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh, bao gồm: thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm về xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam. Dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề xuất, kiến nghị, định hướng giải pháp và khâu đột phá.
Về nguyên tắc, yêu cầu tổng kết, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý bám sát và thực hiện tốt các nguyên tắc tổng kết: kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Tổng kết toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm tính khoa học; tính biện chứng, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; bảo đảm dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, khơi dậy và lan toả được ý chí và khát vọng của Đảng và nhân dân ta về xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Về phương thức tổng kết, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kế thừa, chắt lọcnhững kết quả tổng kết thực tiễn ở địa phương, đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, cần chú ý đưa ra các kết luận để khẳng định, làm cơ sở cho việc hoàn thiện lý luận, xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng. Huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan nghiên cứu khoa học và chỉ đạo thực tiễn, các chuyên gia có trình độ lý luận và am hiểu thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành ở Trung ương, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương trong cả nước.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện lãnh đạo các sở ngành tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, Thừa Thiên Huế xác định trong phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế thì trọng tâm là xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá; về hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Về phát triển xã hội: giáo dục - đào tạo; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; khoa học - công nghệ; việc làm, thu nhập, giảm nghèo; an sinh xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường.
Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Khánh Hùng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trên lĩnh vực văn hóa, xã hội và xây dựng con người vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Một số chủ trương, quan điểm của Đảng về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa. Quá trình quản lý, điều hành đối với địa phương có tính chất đặc thù như Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiệm vụ vừa bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường, sinh thái vừa kêu gọi, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực xã hội, văn hóa và con người chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của tỉnh. Việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn ít; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.
Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, chính quyền trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người chưa thường xuyên, kịp thời. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý và tổ chức các hoạt động chưa thật sự đồng bộ ở các cấp. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; một số lĩnh vực còn thiếu các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn.
Các chuyên gia ghi nhận những kết quả của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc bảo tồn 4 hệ giá trị: hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ hơn kinh nghiệm trong quá trình xây dựng con người, trong bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn; kinh nghiệm giữ gìn truyền thống gia đình xứ Huế khi có 280 nghìn gia đình trên tổng 300 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa... Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương Bùi Thế Đức đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp thu các ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nêu rõ, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa đặc sắc và y tế chuyên sâu của Châu Á.
Dó đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Thừa Thiên Huế cũng đang đẩy mạnh hoàn thành quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn, phù hợp với đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế. Từng bước khôi phục lại cảnh quan, không gian cố đô; khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Đại Nội (Hoàng Thành) và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, các khu vui giải trí, công viên văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng lớn và các thiết chế văn hóa đồng bộ cho thành phố di sản, văn hóa, Festival của Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để sớm phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia; hỗ trợ nguồn lực (trong chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) để phát triển cơ sở vật chất, trường lớp học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện A Lưới và Nam Đông; quan tâm đầu tư, hỗ trợ các nguồn lực để Thừa Thiên Huế phát triển kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội, tu bổ, tôn tạo tổng thể cho các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đối với các di tích được UNESCO ghi danh; phân bổ các dự án, chương trình nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế và đưa vào Chương trình chung của quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản tán thành cao với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, nhất là mô hình và phương thức phát triển riêng có của Thừa Thiên Huế.