Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đánh giá, thời gian qua, quan hệ Việt Nam - CHLB Đức đang trên đà phát triển tích cực. Việt Nam coi Đức là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở châu Âu. Đức cũng là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức ở ASEAN, giúp Đức đa dạng hóa quan hệ với khu vực và thúc đẩy quan hệ giữa Liên minh châu Âu với ASEAN. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương. Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cảm ơn Đức đã luôn có chính sách quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở Đức.
Trưởng đoàn đại biểu Ủy ban Ngân sách, Quốc hội CHLB Đức Sebastian Schafer bày tỏ niềm vui mừng và vinh dự đến thăm Nhà Quốc hội Việt Nam; khẳng định Việt Nam và CHLB Đức có mối quan hệ gắn bó lâu dài, với cộng đồng người Việt Nam ở Đức khá đông đảo, là cầu nối vững chắc trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Đức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại vui mừng nhận thấy, trong những năm qua, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội CHLB Đức duy trì tốt đẹp thông qua việc trao đổi Đoàn song phương các cấp, tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn nghị viện đa phương, nhất là tại Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP)… Bên cạnh hợp tác nghị viện ở cấp liên bang, quan hệ hợp tác với nghị viện các bang cũng được đẩy mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Quốc hội Khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Đức; đồng thời, hoan nghênh Quốc hội Đức thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Đức - ASEAN. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị, Quốc hội hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện ở cấp liên bang và các bang thông qua trao đổi đoàn, duy trì tiếp xúc thông qua hoạt động của các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bày tỏ ấn tượng về những kết quả Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, ông Sebastian Schafer mong muốn, hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng, trong đó có lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo. Nhất trí với đề nghị của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ông Sebastian Schafer cũng cho rằng, Quốc hội hai nước cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên mọi cấp độ, đưa hợp tác nghị viện đi vào chiều sâu, thiết thực.
Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn đại biểu Ủy ban Ngân sách cũng mong muốn tìm hiểu các giải pháp của Việt Nam trong phát triển năng lược tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng phục vụ quá trình phát triển; các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề về môi trường, bảo đảm phát triển bền vững; giải pháp ổn định giá xăng dầu trong nước và kiềm chế lạm phát trước tác động của biến động giá xăng dầu thế giới do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine…
Giải đáp câu hỏi của thành viên Đoàn đại biểu Ủy ban Ngân sách liên quan đến vấn đề môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Việt Nam có cam kết rất mạnh mẽ và chiến lược cụ thể trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa cam kết này thông qua các biện pháp như hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng các chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan… Điều này thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, gìn giữ môi trường chung của trái đất và mục tiêu phát triển bền vững. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, trong quá trình thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng “0”, các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn, do đó, cần có sự chia sẻ công bằng, hỗ trợ của các nước phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tài chính xanh.