|
Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và vai trò cốt lõi của QH
- 11 năm đàm phán, có những lúc tưởng chừng như cánh cửa WTO sẽ không mở ra với Việt Nam nhưng ở vào thời điểm quan trọng nhất, chúng ta đã đột phá và đến đích. Nhìn lại chặng đường đầy khó khăn ấy, điều gì để lại cho Phó chủ nhiệm nhiều ấn tượng nhất?
- Việt Nam đã gia nhập WTO hơn một năm. Nhìn lại quá trình đàm phán, có rất nhiều yếu tố, động thái và bước ngoặt, nhưng với tôi, chuyến thăm của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đến trụ sở WTO ngày 25.3.2005 để lại một ấn tượng rất sâu sắc.
Từ năm 2000-2004, việc nước ta gia nhập WTO cứ bị dền dứ mãi. Giữa lúc tưởng chừng như đàm phán đi vào thời điểm khó khăn, nhạy cảm nhất thì chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và những nội dung thảo luận giữa Chủ tịch QH, các ĐBQH Việt Nam với Tổng giám đốc WTO Supachai Panitchpakdi , Chủ tịch Ban công tác về đàm phán gia nhập WTO của VN Eirik Glenne... như một cú hích, một bước ngoặt quan trọng khẳng định cam kết chính trị rất lớn của nước ta đối với việc trở thành thành viên của một tổ chức thương mại toàn cầu đa biên lớn nhất thế giới như WTO. Lúc đó, người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao của Việt Nam đã đích thân dẫn đoàn công tác của QH đến thăm và nghiên cứu các thể chế của WTO, xác định đúng vai trò của lập pháp đối với công cuộc hội nhập. Tổng giám đốc WTO Supachai Panitchpakdi cũng đánh giá rất cao chuyến thăm này vì trong số nhiều nước đang đàm phán gia nhập WTO thì không có nước nào có hành động chứng minh quyết tâm chính trị lớn như Việt Nam.
- Thưa Phó chủ nhiệm, điều đó cũng có nghĩa là QH có vai trò, vị thế chính trị lớn trong quá trình gia nhập WTO của đất nước?
- Có thể hiểu đúng như vậy. Trước năm 2005 thì đánh giá như vậy có thể còn phân vân nhưng sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và Đoàn ĐBQH nước ta thì vai trò của QH rất đậm nét. WTO là một hệ thống thương mại toàn cầu đa biên. Nhưng WTO không phải là quan hệ thương mại thuần túy mà là thương mại chính trị, thương mại kinh tế, thương mại văn hóa, thương mại tất cả các lĩnh vực... Cho nên, hệ thống WTO thực sự là một sân chơi lớn với đầy đủ các luật chơi của nó và luật chơi đó chỉ dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật. Sau khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn An từ Geneva trở về, các UB của QH, các ĐBQH đã làm việc cật lực để chuẩn bị cho các dự án Luật có liên quan đến việc gia nhập WTO của nước ta được ban hành sớm nhất, hoàn thiện nhanh nhất cơ sở pháp lý cho nước ta gia nhập WTO. Năm 2006, khi trao đổi với đoàn đàm phán Việt Nam tại Geneva, các đại sứ tại WTO nói họ theo dõi rất sát chương trình xây dựng luật và thực sự bất ngờ trước kỷ lục ban hành luật của QH Việt Nam. Tất nhiên, Đoàn đàm phán của Việt Nam tại Geneva đã xác định rất trúng, yếu tố chủ quan tác động đến sự thành-bại trong đàm phán gia nhập WTO là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tại thời điểm đó, những bước đi quyết liệt của QH trong công tác lập pháp đã làm xoay chuyển tình thế. Cộng đồng quốc tế đã nhìn thấy một nước Việt Nam ổn định về chính trị, phát triển tương đối bền vững, nhân dân ủng hộ và tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước thì rõ ràng người ta cũng mong muốn được đặt mối quan hệ hữu nghị và thương mại với Việt Nam.
- Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng chất lượng làm luật của nước ta trong giai đoạn này cũng chưa thật tốt, luật ban hành nhiều nhưng lại chậm đi vào cuộc sống, thưa Phó chủ nhiệm?
- Vấn đề này cũng tương đối khách quan. Cộng đồng quốc tế hiểu rõ điều này và cũng rất thông cảm với ta. Vấn đề quan trọng hiện nay là: QH phải từng bước giải quyết mâu thuẫn giữa việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhanh để hội nhập với chất lượng luật. Trong hai năm 2005, 2006, các ĐBQH đã làm việc rất vất vả để thông qua được một khối lượng luật kỷ lục mà toàn bộ những đạo luật đó đều tác động trực tiếp đến quá trình đàm phán gia nhập WTO. Có những đạo luật thực ra chưa cần kíp lắm cho bản thân nền KT-XH trong nước, tức là QH vẫn có thời gian để cân nhắc xem có nên ban hành vào thời điểm đó hay không nhưng lại rất cần cho hội nhập.
- Thế những yếu tố nước ngoài trong hệ thống pháp luật của Việt Nam thì sao?
- Từ năm 2005 trở lại đây thì yếu tố nước ngoài chiếm một vị trí rất quan trọng trong các đạo luật của nước ta. Tôi nêu một ví dụ rất đơn giản như thế này: Một trong những nguyên tắc để trở thành thành viên WTO là quy chế tối huệ quốc và quy chế đối xử quốc gia. Tối huệ quốc tức là khi trở thành thành viên của WTO thì những vấn đề từ trước đến nay chỉ được ưu đãi cho các nước bạn bè thân thiết nhất của Việt Nam thì nay cũng phải được áp dụng cho tất cả các nước thành viên WTO khác. Còn nguyên tắc đối xử quốc gia tức là không được phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước, giữa hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa nước ngoài. Có nghĩa là tất cả những quy định về hải quan, cửa khẩu... phải theo WTO, khi đã mở cửa cho hàng hóa và thể nhân nước ngoài vào đến lãnh thổ Việt Nam thì phải đối xử bình đẳng như với hàng hóa và thể nhân Việt Nam. Điều gì sẽ bảo đảm cho những quy định này sẽ được thực hiện? Chỉ có thể là luật pháp. Như vậy, yếu tố nước ngoài trong luật pháp nước ta là phải có và điều đó có ý nghĩa rất tích cực để chúng ta hội nhập.
- Nhưng cũng có những quy định mà quan điểm của Việt Nam và nước ngoài vênh nhau. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập thì Việt Nam đã phải quy định theo hướng của các nước lớn?
- Thực tế chúng ta phải nhìn nhận thế này: Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, khi đàm phán gia nhập nên có những quy định pháp luật về kinh tế, thương mại, tài chính chưa phù hợp với luật pháp quốc tế mà đặc biệt là chưa phù hợp với luật pháp của WTO - , khi đàm phán chúng tôi luôn phải nhấn mạnh yếu tố này. Trong quá trình đàm phán gia nhập, hoàn thiện hệ thống pháp luật chúng ta đã phải điều chỉnh nhiều lắm. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì đó là việc làm cần thiết. Việt Nam gia nhập sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu rồi thì phải tuân thủ luật chơi của cái sân chơi ấy chứ?
Gia nhập WTO là một bước ngoặt mang tính chất lịch sử trong tiến trình hội nhập và phát triển của nước ta. Là người được tham gia đàm phán gia nhập WTO, tôi thấy hoàn toàn yên tâm và người dân có thể tin tưởng rằng những nội dung và phương án mà QH và Chính phủ đã lựa chọn đều sẽ bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính chất hai mặt. Bên cạnh những thuận lợi mà WTO mang lại cho các nước thành viên, nước ta cũng phải chấp nhận sự thua thiệt, rủi ro ở một vài lĩnh vực nếu Chính phủ, mỗi Bộ, ngành và địa phương không có tầm nhìn xa hơn và hành động quyết liệt hơn. Bước chân hội nhập với thế giới, chúng ta sẽ không có điểm dừng, không có sự lựa chọn nào khác là phải tiến lên phía trước.

ĐBQH hay một nhà ngoại giao - Đều phải bằng mọi cách bảo vệ lợi ích của nhân dân mình ngang với lợi ích của nhân dân thế giới
- Hơn 30 năm làm ngoại giao, bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân mình trên xứ người, giờ trở về sống với những người dân xứ mình, với những phong tục tập quán quen thuộc của mình và lại trở thành một người đại biểu dân cử... Điều đó thật thú vị phải không, thưa Phó chủ nhiệm?
- Nhiệm vụ lớn nhất của tôi trong suốt cuộc đời làm ngoại giao là tham mưu, cố vấn và đại diện cho Việt Nam thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng và hợp tác với các nước; Phải bằng mọi con đường có thể để bạn bè hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về đất nước mình, sẵn sàng đến và thiết lập mối quan hệ toàn diện với nhà nước và nhân dân ta. Trở về nước và được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH là một vinh dự lớn đối với tôi. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu đời sống của người dân, tôi biết trách nhiệm của mình sẽ nặng nề hơn - phải làm thế nào để gắn được những thành quả của đối ngoại vào đời sống của nhân dân? Khi đàm phán gia nhập WTO, tôi đã bảo vệ các dòng thuế nông nghiệp nhưng làm thế nào để xây dựng và củng cố được thương hiệu cho nông sản Việt Nam? Đi tiếp xúc cử tri, tôi mới thấy vấn đề lớn quá. Người nông dân nước mình suốt đời gắn với cây lúa, gắn với rau quả, trái cây mà đến giờ vẫn không thể bảo đảm được đầu ra, vì chưa xây dựng được thương hiệu nên rất khó cạnh tranh với nông sản nước ngoài. Điều đó khiến tôi thấy có sự kết nối giữa nhiệm vụ đàm phán ngoại giao của mình với nhiệm vụ của một người ĐBQH, làm thế nào để giải quyết được vấn đề này cho những cử tri mà mình đại diện? Còn một khoảng cách khá xa mà người ĐBQH trong thời kỳ hội nhập phải có trách nhiệm giảm bớt và lấp đầy.
- Tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao - ngoại giao nghị viện cũng là một thuận lợi để “giảm bớt” và “lấp đầy” những khoảng cách ấy, thưa Phó chủ nhiệm?
- Có lẽ vậy. Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp tôi hiểu được rằng: Tác động của Nghị viện, của QH đối với chính quyền trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam là rất lớn, làm thế nào để đẩy mạnh ngoại giao Nghị viện tiếp tục theo hướng này tức là giữa QH với QH, các nghị sỹ với nghị sỹ để tác động đến chính quyền, đặc biệt nghị sỹ của các nước để họ ủng hộ Việt Nam, cải thiện mối quan hệ với Việt Nam. Đây là mảnh đất còn rất màu mỡ, rất nhiều tiềm năng để khai thác vì ngoại giao nghị viện mang màu sắc thực tế và tác động trực tiếp đến tình hình của đất nước, đời sống của người dân. Việt Nam hiện đang quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, quan hệ kinh tế với hơn 200 vùng lãnh thổ, có cộng đồng người Việt trên hầu khắp các châu lục của thế giới, cơ sở để Việt Nam hội nhập, mở rộng quan hệ là rất lớn, khai thác tiềm năng này như thế nào... tôi sẽ cố gắng để có những đóng góp nhất định.
- Một nhà ngoại giao khi đứng trước lợi ích chung của đất nước sẽ buộc phải tạm gác lợi ích của một nhóm người dân. Nhưng một đại biểu dân cử, khi đối diện với nỗi lo cơm áo thường nhật của những cử tri đã bỏ phiếu cho mình, đã tin tưởng mình... Có khi nào Phó chủ nhiệm cảm thấy băn khoăn, cảm thấy có độ vênh nào đó giữa vai trò của một nhà ngoại giao với một ĐBQH?
- Có một số cử tri khi tôi đi tiếp xúc cũng đã từng hỏi tôi như thế này: Đại sứ là ai, một đại sứ thì làm cái gì và đóng góp được gì cho dân, cho nước? Tôi chỉ nói rằng: Đại sứ hay một nhà ngoại giao khi ra khỏi biên giới quốc gia phải bằng mọi cách để bảo vệ được màu cờ, sắc áo, bảo vệ được lợi ích của đất nước, của dân tộc. Nhà ngoại giao không có đường lùi trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước mình, nhân dân mình. Ở trong nước thì trách nhiệm của một ĐBQH cũng như vậy. Mình bảo vệ lợi ích của nhân dân mình ngang với lợi ích của nhân dân thế giới chứ không phải là những lợi ích cụ thể của nhóm người này, nhóm người khác.
Nhưng mà đúng là khi về nước, khi đi đến những vùng nông thôn, đối mặt với cuộc sống khó nhọc của người nông dân, có rất nhiều điều khiến tôi phải suy nghĩ. Mình đã đi bao nhiêu nước rồi, thấy đời sống của người dân các nước phát triển cao quá, khoảng cách giàu nghèo, nông thôn và thành thị không còn bao nhiêu, phúc lợi xã hội, trợ cấp đời sống... rất lớn mà người dân mình vẫn thường trực đối diện với bao nhiêu nỗi khốn khó, cực nhọc. Điều đó cũng có nghĩa là còn rất nhiều điều, nhiều việc nữa mà mỗi ĐBQH đều phải dốc sức làm để có thể kéo gần khoảng cách đó lại, xóa bớt đi nỗi nhọc nhằn của những người dân mà mình đại diện.
- Xin cám ơn sự chia sẻ của Phó chủ nhiệm!
Phạm Thúy thực hiện