Tạo hứng thú đọc cho mọi tầng lớp nhân dân
Thời gian qua, nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách nhằm thúc đẩy hoạt động này; tiêu biểu như: năm 2017, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; năm 2019, Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua… Những chủ trương về phát triển văn hóa đọc đã truyền đi những thông điệp tích cực, khơi dậy tinh thần ham đọc sách; kích thích tinh thần tự học và khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước.
Một trong những kết quả nổi bật trong việc lan tỏa văn hóa đọc là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình thư viện với những hình thức đọc sách đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh các thư viện công do nhà nước quản lý là sự ra đời của thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách…, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Bên cạnh đó, các phong trào, các cuộc thi như Đại sứ Văn hóa đọc; Chương trình “Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan tỏa tri thức”; Chương trình “Cùng em đọc sách”. Qua đó, hơn 50.000 cuốn sách đã được các tổ chức, cá nhân tặng cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng. Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Quỹ Bắc cầu, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay… mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Song song với việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong phát triển văn hóa đọc, đa dạng hóa các mô hình thư viện, thì các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết lập mạng lưới thư viện công cộng trên toàn quốc cũng được chú trọng. Đã có 63 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng trên 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở cấp xã được thành lập. Ngoài ra còn phải kể tới 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hóa xã đã và đang đi vào hoạt động. Nhằm hiện thực hóa “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025”, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng tích cực vận động hỗ trợ hàng trăm máy nghe nói, sách nói, điện thoại thông minh tặng người khiếm thị, trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...
Xác lập sự tồn tại của sách trong đời sống cộng đồng
Tại nhiều địa phương trên cả nước, phong trào đọc sách, phát huy giá trị của sách được tổ chức rầm rộ và rộng khắp. Bắc Ninh là một trong các tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ các hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc với sự tham gia của gần 20 nhà xuất bản, công ty phát hành sách và một số sở, ngành của tỉnh, quy mô hơn 40 gian, trưng bày trên 100.000 tên sách, với 2 triệu bản sách thuộc nhiều lĩnh vực. Tại Sóc Trăng, chương trình Chuyến xe tri thức - Ngày hội đọc sách với các Chuyến xe tri thức đến các trường học trên địa bàn tỉnh; tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh… nhiều hoạt động như tặng sách, tuyên truyền giới thiệu về sách, các buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi về sách với các diễn giả nổi tiếng và các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian… được tổ chức với quy mô lớn, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
Để phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống cộng đồng, các chuyên gia văn hóa đọc khẳng định, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động, cũng phải thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong việc tiếp cận với sách. Quá trình hình thành thói quen đọc sách, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Các nhà xuất bản, công ty sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các trường học như: Hoạt động Hội sách Mini - sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách, tổ chức Hội sách tại khuôn viên hay hội trường của các trường. Trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc, do đó cần coi việc xây dựng văn hóa đọc tại đây là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học. Bên cạnh đó, nên xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy trong nhà trường; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm, phát động tuần lễ đọc sách và nhiều hoạt động, sự kiện tôn vinh sách trong tuần lễ này.
Nên tổ chức nhiều hội chợ sách và không chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, thành phố, tổ chức thêm nhiều hội sách trực tuyến, phát triển thêm nhiều đường sách, phố sách, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Reading Code. Mỗi người cần nâng cao ý thức đọc sách để làm giàu tri thức của bản thân. Cần đưa sách lại gần công chúng thông qua các hoạt động cho, tặng sách… Nhà nước và người dân cũng nên tận dụng tối đa các không gian công cộng để xác lập sự tồn tại của sách và văn hóa đọc. Chẳng hạn các quán nước, quán cà phê, quán ăn, bệnh viện, phòng khám, thẩm mỹ viện… có thể đặt thêm giá sách để cho khách đọc trong thời gian chờ đợi. Đọc sách lúc rảnh rỗi khi chờ đợi sẽ là một cơ hội tốt để người dân hình thành thói quen đọc sách.