Xóa mờ ranh giới
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương tại tòa nhà 19 Lê Thánh Tông thu hút đông đảo công chúng với cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác. Triển lãm là sự giao thoa và hợp tác giữa nhiều ngành nghệ thuật, từ điêu khắc, hội họa, sắp đặt, video art đến âm nhạc và ánh sáng. Mỗi tác phẩm mang một câu chuyện riêng, cùng nhau tạo nên bức tranh toàn cảnh về sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật Đông Dương.
Thu hút đông đảo công chúng là tác phẩm sắp đặt video art phỏng dựng bức tranh sơn dầu Thăng Đường Nhập Thất - đặt theo tên tiếng Hán ghi trên cổng tam quan với ý nghĩa đề cao sự học trong bức tranh của hoạ sĩ Victor Tardieu. Tác phẩm được dựng từ ảnh đen trắng gốc xử lý qua công nghệ số, kết hợp video art và hình ảnh động của họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, nhà nghiên cứu TS. Phạm Long, nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải và Viên Hồng Quang. Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo, nghệ thuật và khoa học đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự hợp tác liên ngành trong việc tạo ra những không gian đô thị sáng tạo và bền vững. Qua việc kết nối các nghệ sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và chuyên gia khác nhau, Lễ hội đã biến những công trình công nghiệp cũ như nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, hay tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ, Cung Thiếu nhi Hà Nội… thành những không gian nghệ thuật đa chức năng. Nhiều hoạt động nghệ thuật thời gian qua cũng thu hút sự hợp tác từ các ngành nghề khác nhau, như “Chuyện đình trong phố” - dự án đánh thức các ngôi đình trong khu Phố cổ Hà Nội; dự án nghệ thuật Phúc Tân… Qua đó, không chỉ góp phần tôn vinh di sản đô thị mà còn tạo ra những trải nghiệm mới lạ cho cộng đồng.
Sự phối hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ và phổ biến. Nổi bật là sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và công nghệ thông tin để tạo ra những trải nghiệm tương tác. Hay sự kết hợp giữa âm nhạc và kiến trúc, nghệ thuật ánh sáng để tạo nên những không gian độc đáo. Vừa qua, một số triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày tác phẩm bản gốc, kết hợp với kỹ thuật đồ họa, trình chiếu mapping mang đến cho công chúng trải nghiệm hiệu ứng thị giác. Hay triển lãm tương tác đa giác quan Van Gogh Art Lighting Experience tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng mở ra cánh cửa mới cho nghệ thuật khi những tác phẩm của Van Gogh và Monet sống động nhờ sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật và thực tế ảo (VR), công nghệ visual art, kỹ thuật số hiện đại kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng...
Mở ra thế giới nghệ thuật mới
Chia sẻ tại hội thảo “Một trăm năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng” mới đây, nghệ sĩ Triệu Minh Hải cho rằng, nghệ thuật đương đại trong xã hội hiện đại không chỉ là một hình thức biểu đạt đơn thuần mà còn là một ngôn ngữ tích hợp, kết hợp linh hoạt nhiều yếu tố từ các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, truyền thông, triết học, khoa học và văn hóa học. Sự kết hợp này giúp nghệ thuật đương đại mở rộng biên giới sáng tạo, phản ánh sự phức tạp của đời sống xã hội và đáp ứng nhu cầu tương tác của con người trong thế giới ngày càng số hóa và toàn cầu hóa. Khái niệm "ngôn ngữ tích hợp" ở đây không chỉ nói đến sự pha trộn giữa các phương tiện nghệ thuật mà còn thể hiện khả năng kết nối ý tưởng, trải nghiệm và nhận thức của nghệ sĩ, công chúng trong một không gian nghệ thuật đa chiều.
Trong quá trình đó, nghệ sĩ đương đại không còn giới hạn mình trong những khuôn khổ truyền thống mà tìm kiếm sự kết nối và đối thoại liên ngành. Họ có thể kết hợp các yếu tố từ hội họa, điêu khắc, trình diễn, công nghệ kỹ thuật số, truyền thông đại chúng, thậm chí cả khoa học và triết học để tạo ra những tác phẩm giàu ý nghĩa và đa tầng. Một tác phẩm có thể vừa mang tính trình diễn, sắp đặt, hội họa và kỹ thuật số, tạo ra một ngôn ngữ nghệ thuật phong phú và linh hoạt. Mặc dù có sự hòa trộn, song mỗi thể loại vẫn giữ được đặc thù, từ tính biểu tượng của nghệ thuật sắp đặt, tính tương tác của nghệ thuật trình diễn cho đến tính mô phỏng của nghệ thuật kỹ thuật số…
Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ đã mang đến cho nghệ sĩ bộ công cụ mới. Trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và nghệ thuật kỹ thuật số cho phép nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm kết hợp âm thanh, hình ảnh, ánh sáng và chuyển động, mang lại trải nghiệm đa giác quan và tương tác cao cho người xem.
Họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nhận định, tính liên ngành là một đặc trưng của nghệ thuật đương đại. Đó là cách người thực hành nghệ thuật đối thoại với cộng đồng, nơi chốn, không gian khác nhau, với sự kết hợp của nhiều ngành nghề, liên kết nhiều giá trị… để tạo ra những tác phẩm mới mẻ, độc đáo. Ở đó, các nghệ sĩ như những nhà kiến tạo ngôn ngữ, không ngừng khám phá các hình thức thể hiện để kết nối, thúc đẩy đối thoại, truyền tải thông điệp và mở ra những chân trời sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng hiện đại.