Chuyển biến sâu sắc trong tư duy, hành động
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF), văn hóa số là văn hóa sử dụng công nghệ số và thấu hiểu việc dựa trên dữ liệu để ra quyết định, hướng khách hàng làm trung tâm song song với thúc đẩy hợp tác và đổi mới bên trong tổ chức. Hay nói cách khác, văn hóa số là một tập hợp các giá trị, niềm tin, và hành vi của cá nhân và tổ chức trong xã hội số. Nó bao gồm cách chúng ta sử dụng công nghệ số, giao tiếp và tương tác với nhau trong môi trường kỹ thuật số, ứng phó với những thách thức và cơ hội của xã hội số.
Văn hóa số không chỉ là sự thay đổi về công nghệ, mà còn là sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy, hành động và cách tiếp cận của con người đối với các vấn đề phát triển. Đây là động lực để định hình một xã hội hiện đại, nơi các giá trị như sáng tạo, minh bạch, kết nối và hiệu quả được ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, văn hóa số giúp nâng cao năng lực hội nhập của Việt Nam bằng cách khuyến khích sử dụng công nghệ và dữ liệu như những công cụ quan trọng để tăng năng suất, hiệu quả lao động và khả năng sáng tạo. Thông qua tinh thần đổi mới và tư duy mở, văn hóa số tạo nền móng để Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể vươn lên dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hay internet vạn vật.
Ngoài ra, văn hóa số đóng vai trò cầu nối gắn kết mọi thành phần trong xã hội. Nó tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp, và các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số một cách tích cực và hiệu quả. Bằng cách lan tỏa tinh thần sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn, văn hóa số thúc đẩy sự đồng thuận xã hội, khơi dậy tinh thần sáng tạo từ cộng đồng và doanh nghiệp, đồng thời tăng niềm tin vào chính sách của Nhà nước.
Văn hóa số còn là chìa khóa để xây dựng năng lực tự chủ và cạnh tranh công nghệ, đặc biệt trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam. Thông qua tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo, khuyến khích các ý tưởng đột phá, văn hóa số giúp Việt Nam tối ưu hóa nguồn lực con người và tài nguyên, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Quan trọng hơn, văn hóa số giúp bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền dữ liệu quốc gia, yếu tố sống còn trong kỷ nguyên số. Nó góp phần xây dựng không gian số an toàn, lành mạnh, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ đối với xã hội.
Cần có chiến lược toàn diện
Để xây dựng văn hóa số, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa số, coi đây là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Việc tuyên truyền, giáo dục để lan tỏa tư duy số trong cộng đồng, từ cán bộ, công chức, nhà khoa học đến doanh nghiệp và người dân, là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm thay đổi nhận thức và khơi dậy tinh thần sáng tạo.
Song song với đó, hoàn thiện thể chế và chính sách để xây dựng môi trường thuận lợi cho văn hóa số phát triển. Những rào cản pháp lý cần được loại bỏ, thay thế bằng những quy định khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Đặc biệt, cần có cơ chế hỗ trợ các tổ chức và cá nhân thử nghiệm công nghệ mới, chấp nhận rủi ro trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng. Các chính sách như miễn trừ trách nhiệm cho các thử nghiệm công nghệ, hay ưu đãi về thuế và tín dụng cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy văn hóa số trong thực tiễn.
Đầu tư vào hạ tầng số hiện đại là điều kiện cần thiết. Việc phát triển mạng lưới viễn thông băng thông rộng, trung tâm dữ liệu quốc gia và các nền tảng số liên thông không chỉ bảo đảm tính hiệu quả mà còn tạo cơ hội để mọi tổ chức và cá nhân tiếp cận, ứng dụng công nghệ một cách dễ dàng. Đồng thời, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, an toàn và liên kết chặt chẽ để khai thác tối đa tiềm năng của nền kinh tế số và khoa học dữ liệu.
Chú trọng đào tạo, phát triển và trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và an ninh mạng. Việc triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, thu hút nhân tài từ nước ngoài, và khuyến khích người trẻ tham gia các lĩnh vực công nghệ tiên tiến sẽ tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ sức gánh vác các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số.
Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng văn hóa số. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được hỗ trợ về vốn, công nghệ và môi trường thử nghiệm để đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo. Các chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ và ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm số chiến lược sẽ góp phần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.
Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng kinh nghiệm tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Việt Nam cần chủ động tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ, đồng thời mở rộng các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Văn hóa số cần được xây dựng trên nền tảng an toàn và bền vững, bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chúng ta cần phát triển không gian mạng an toàn, lành mạnh, nơi các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc được duy trì và phát huy. Việc xây dựng các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cùng với chiến lược bảo vệ dữ liệu quốc gia, sẽ giúp văn hóa số phát triển một cách bền vững và toàn diện.
Như vậy, xây dựng văn hóa số là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, không chỉ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mà còn định hình con đường đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thịnh vượng trong kỷ nguyên số. Việc phát triển văn hóa số đòi hỏi sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự dẫn dắt của Nhà nước, sự sáng tạo của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của mỗi người dân. Đây chính là nền tảng để tạo nên những đột phá trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, y tế đến an ninh quốc phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.