Lĩnh vực cần nguồn nhân lực chất lượng cao
Với doanh thu hàng tỷ USD, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu mà còn là ngành công nghiệp nền tảng quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ sau đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với sự xuất hiện của nhiều các tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các startup trong nước.
Hiện nay, Việt Nam chỉ mới tham gia vào một số hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bản dẫn. Theo Trưởng Ban Khoa học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trương Việt Anh, trong chuỗi quy trình sản xuất bán dẫn, phần đóng gói và kiểm thử ngoài phòng sạch thường là lựa chọn ban đầu theo kinh nghiệm của các nước khi mới tiếp cận và xây dựng ban đầu của ngành công nghiệp này. Phần thiết kế và sản xuất, trong đó có hoạt động thiết kế và phát triển (phần mềm EDA, nhân IP và chip) không đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng nhưng lại đòi hỏi đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển, yêu cầu lớn nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước cơ hội và lợi thế hiện có, Việt Nam đang xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Việc tập trung đầu tư vào đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn là một hướng đi chiến lược nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp “tỷ đô” ở Việt Nam.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quan trọng nhưng cũng đang đối mặt với một số thách thức nhất định trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh hiện có 5 cụm công nghệ điện tử lớn, là khu vực tập trung sản xuất của nhiều tập đoàn công nghiệp điện tử, có thể kể đến như Công ty Hana Micron Vina; các công ty của Tập đoàn Foxconn. Với 8.074 lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn nhưng được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn vẫn còn hạn chế, chủ yếu được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Do vậy, lao động được tuyển vào doanh nghiệp vẫn phải đào tạo từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện.
Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Võ Xuân Hoài cho biết: một loạt thách thức liên quan đến đặc thù ngành công nghiệp bán dẫn dẫn đến việc khó khăn trong thu hút chuyên gia, giảng viên giỏi tham gia vào hoạt động đào tạo trong nước. Chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ cao phục vụ cho việc đào tạo vêu cầu khoản đầu tư rất lớn từ cả phía chính phủ, viện trường và doanh nghiệp… Đồng thời, các chương trình phối hợp giữa viện, trường, doanh nghiệp và các chương trình đào tạo đại học chính quy hiện không nhất quán, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó gây khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp bán dẫn.
Xây dựng chiến lược phát triển đào tạo phù hợp
Để đáp ứng nguồn nhân lực trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, theo ông Võ Xuân Hoài, phải giải quyết vấn đề thu hút sinh viên quan tâm theo học các ngành phù hợp. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ đào tạo khoảng 1.400 sinh viên chuyên ngành bán dẫn, chỉ bằng 1% tổng số chỉ tiêu sinh viên đầu vào ngành kỹ thuật hàng năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trong ngành bán dẫn so với sinh viên đầu vào kỹ thuật là 0,4%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển, nền kinh tế khác với tỷ lệ trung bình là 3%, Việt Nam cần làm tốt hơn việc khuyến khích sinh viên ngành kỹ thuật đi vào mảng bán dẫn.
Cùng chung quan điểm này, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Việt Hàn - Bắc Giang Nguyễn Công Thông cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giáo dục STEM ngay từ bậc học thấp nhất của giáo dục phổ thông cho đến các trường đại học, cao đẳng nhằm thu hút sự yêu thích của thanh niên, thiếu niên từ đó có cảm hứng và chọn các ngành lĩnh vực STEM.
Về năng lực và quy mô đào tạo tại các cơ sở đào tạo, Trưởng Ban Khoa học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trương Việt Anh nhấn mạnh: Trên cơ sở tiếp cận hệ thống, việc thiết lập mục tiêu, tầm nhìn của cơ sở giáo dục cần có sự xem xét về các điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính và các chính sách tác động bên trong và bên ngoài của đơn vị. Đối với nguồn nhân lực, nhu cầu thị trường lao động cần có sự dự báo và đánh giá về số lượng, chất lượng để có thể đặt ra chiến lược phát triển đào tạo, đội ngũ giảng viên phù hợp.
Theo Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Cao Thị Mai Hương, đây là ngành nghề mới không thể phát triển bằng kinh nghiệm, thói quen, cách làm cũ mà phải có cách làm, tầm nhìn mới kèm theo giải pháp đột phá, phối hợp với các chuyên gia ngành bán dẫn đánh giá, thiết kế điều chỉnh chương trình phù hợp thực tế, bảo đảm kiến thức nền tảng cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo cần xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cụ thể, chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy kết nối, tận dụng nguồn lực các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ đào tạo nhân lực lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư trong đào tạo.