Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho công nghiệp bán dẫn

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho công nghiệp bán dẫn

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho công nghiệp bán dẫn

Công nghiệp bán dẫn đang nổi lên là ngành công nghệ cao và kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi giá trị của ngành này. Để tận dụng cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG khẳng định, Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong ngành bán dẫn.

Nền kinh tế đã vững vàng vượt qua thách thức

- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2023, mặc dù chịu nhiều tác động từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường bởi các cuộc xung đột chính trị, lạm phát cao, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm…, song Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Vậy, đâu là những nền tảng quan trọng cho nền kinh tế trong năm 2024?

- Từ đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế nước ta đã vững vàng vượt qua, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực và là điểm sáng trong bức tranh toàn cầu.

Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân năm tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu đề ra là khoảng 4,5%. Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay).

Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu duy trì đà phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay.

Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5,05%, chưa đạt mục tiêu đề ra song vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; Moody’s xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

Đây là những chỉ số cho thấy nền kinh tế vẫn đang tiếp tục đà phục hồi; Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những chuyển biến tích cực trong năm 2023 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi để chúng ta tăng tốc, bứt phá trong năm 2024, hướng tới hoàn thành Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), Chiến lược 10 năm (2021 - 2030) và tầm nhìn đến năm 2045.

- Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%. Đây được xem là mục tiêu tương đối cao so với nền của năm 2023 cũng như bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn. Vậy, giải pháp nào để cụ thể hóa mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?

- Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2024 trên tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đối với các doanh nghiệp, cần nêu cao tinh thần đổi mới, tự lực, tự cường, có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; quan tâm, chú trọng hơn đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao…

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho công nghiệp bán dẫn -1
Sản xuất linh kiện IC bán dẫn tại Công ty Mtex (Nhật Bản) trong Khu chế xuất Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vneconomy 

Phối hợp hơn 30 trường, viện để đào tạo nhân lực bán dẫn

- Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Làm thế nào để tận dụng được cơ hội này, thưa Bộ trưởng?

- Hiện, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, kết cấu hạ tầng số ngày một phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Thực tế, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, giao Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024. Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn…

Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

- Để cụ thể hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030, chúng ta cần tập trung cho giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

- Số liệu này dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, và khả năng đào tạo của các đơn vị giáo dục trong nước. 

Để đạt được mục tiêu, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các viện nghiên cứu, trường đại học để triển khai xây dựng, triển khai dự án.

Nhằm tạo bước đà cho việc triển khai Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác với 2 Tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn; đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực…

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!