Cuộc sống ổn định hơn
Nhằm phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, gia đình ông Trần Văn Thưởng, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng đã tập trung vào việc phát kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó chú trọng triển rừng. Hiện nay, gia đình ông được đánh giá là hộ gia đình có kinh tế vững tại địa phương.
Năm 1993, với diện tích đất khai hoang ban đầu và đầu tư mua của các hộ gia đình xung quanh gần 20 ha đất lâm nghiệp, ông đã trăn trở suy nghĩ cũng như tìm tòi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Thời gian đầu, ông đầu tư phát triển cây vải, na, mơ nhưng hiệu quả kinh tế không cao do thu hoạch sản lượng quả thấp, mẫu mã không đẹp, chất lượng quả không cao, cây mơ không có thị trường tiêu thụ nên ông Thưởng quyết định tìm hướng đi mới.
Ông Thưởng đã đi tìm hiểu phát triển một số loài cây ở các địa phương khác. Từ đó, ông Thưởng đã xác định mục tiêu và có kế hoạch phát triển về kinh tế nông lâm kết hợp để làm hướng đi cho gia đình mình. Nhưng thời điểm đó gia đình ông đang thiếu vốn, thậm trí thiếu ăn và kinh nghiệm trồng rừng chưa có, mà chu kỳ thu hoạch các sản phẩm từ rừng lại dài ít nhất từ 7 đến 10 năm, trong khi tại địa phương chưa có ai làm, không có người ủng hộ.
Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của một số hộ gia đình kỳ cựu kỹ thuật trồng rừng, bằng sự quyết tâm, nỗ lực, ý chí vươn lên của bản thân, vượt qua các định kiến của xã hội ông Thưởng suy nghĩ muốn làm giàu phải trồng rừng, phủ xanh đất trống, phát triển cây đa mục đích. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp, thủy sản để lấy ngắn nuôi dài. Ông Thưởng đã quy hoạch, cải tạo quỹ đất sẵn có của gia đình đào ao thả cá với diện tích mặt nước gần 1000m2 để nuôi cá, làm ruộng nước, trồng cây hoa màu và phát triển cây quế, mỡ trên diện tích đất lâm nghiệp.
Khó khăn là vậy, xong bằng sự nỗ lực cố gắng vươn lên, đến nay, gia đình ông đã trồng được gần 20 ha rừng chủ yếu là quế, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, ước tính giá trị tại thời điểm hiện nay khoảng 4 tỷ đồng. Cùng với đó, nhận thấy nhu cầu phát triển cây quế ở địa phương cao nên ông đã đầu tư phát triển vườn ươm để cung ứng ra thị trường.
Ông Thưởng còn mạnh dạn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, chuyển hóa 5,7ha rừng quế sang rừng giống cho thu hoạch hạt giống, mỗi năm trung bình 3 tấn, cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng. Sau khi được Hạt Kiểm lâm tuyên truyền, vận động, ông Thưởng đã tham gia tổ hợp tác phát triển quế hữu cơ của thôn Làng Chưng xã Sơn Hà để nâng cao giá trị sản phẩm quế trong thời gian tới. Ông là hội viên tích cực trong việc hoạt động, hướng dẫn các hội viên trong tổ phát triển quế hữu cơ.
"Sau hơn 20 năm thực hiện phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, tôi thấy hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại rất cao, giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn định hơn. Trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục phát triển cây quế theo hướng hữu cơ, bền vững. Bảo vệ, chăm sóc phát triển diện tích rừng giống quế để cung cấp giống cho nhân dân trong vùng phát triển cây quế", ông Thưởng chia sẻ.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ phát triển kinh tế rừng
Ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, những năm qua, nhờ phát triển kinh tế rừng mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 3%, tỷ lệ độ che phủ rừng hằng năm của huyện tăng lên, môi trường rừng không ngừng được cải thiện, người lao động có thu nhập ổn định từ kinh tế rừng. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện Bảo Thắng, diện tích trồng rừng sản xuất tăng từ 600 - 800 ha; độ che phủ của rừng tăng trung bình từ 0,6-1,0%.
Đến hết năm 2022, độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 63%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 13.000 m3/năm, cung cấp nguyên liệu phong phú như ván thanh, ván bóc, cốp pha, đồ mộc… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo định hướng của huyện, các tập thể, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn cây trồng vừa có chu kỳ phát triển ngắn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao như mỡ, quế, bồ đề, sưa cùng một số loài đa tác dụng như cây cao su.
Chính sách giao đất, giao rừng đã được triển khai đồng bộ trên tinh thần mỗi người dân là một chủ thể phát triển kinh tế rừng. Giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Đã có nhiều mô hình kinh tế vườn rừng có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình, một số mô hình tại các xã Trì Quang, Xuân Giao, Thái Niên, Sơn Hà, Sơn Hải... nhờ trồng rừng kết hợp với kinh tế trang trại hay mô hình kết hợp vườn – ao – rừng cho thu nhập ổn định, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Năm 2022, bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng là 68 triệu đồng/người/năm.