Tại hội thảo, các ý kiến đã đề cập nhiều thông tin có giá trị và cái nhìn đa chiều, toàn diện về an ninh quốc tế; các cơ chế, thể chế và pháp luật quốc tế có liên quan; các nguy cơ, mối đe dọa và các yếu tố tác động đến an ninh quốc tế; hoạt động đối ngoại quốc phòng; các hoạt động hợp tác và vai trò của Việt Nam trong bảo đảm an ninh quốc tế. Đồng thời, khẳng định việc tham gia bảo đảm an ninh quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng, chiến lược, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về an ninh, quốc phòng, thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Ngọc An, Nguyên Phó Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: An ninh quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm an ninh quốc tế là nhiệm vụ chung của các quốc gia nhằm duy trì môi trường hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu tiến bộ và phát triển.
Đối với Việt Nam, tham gia bảo đảm an ninh quốc tế là quán triệt đường lối của Đảng về đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam và vì mục tiêu chung của nhân loại, nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc tế là có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an, quân đội, ngoại giao làm nòng cốt có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan.
Các ý kiến cũng chỉ ra các nguy cơ, mối đe dọa và các yếu tố tác động khác đến an ninh quốc tế; kinh nghiệm, vai trò, đóng góp của các nước trong bảo đảm an ninh quốc tế; các hoạt động hợp tác, sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong các cơ chế bảo đảm an ninh quốc tế.
Cho rằng, cấu trúc an ninh quốc tế hiện nay đang có sự mở rộng, bên cạnh an ninh truyền thống còn có an ninh phi truyền thống. Theo GS. Hoàng Khắc Nam, Khoa Quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, an ninh hiện nay không chỉ là an toàn về vật chất mà còn phải yên tâm về mặt tinh thần; bảo đảm an ninh quốc gia cũng cần bảo đảm cả về an ninh con người, tập trung bảo đảm cho các điều kiện phát triển… Do đó, việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là một chủ trương phù hợp, mang tính chiến lược trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở đó, GS. Hoàng Khắc Nam đề xuất Việt Nam cần coi trọng quán triệt sâu sắc và bảo vệ quan điểm đường lối của Đảng về chính sách của Nhà nước về đề cao vai trò thượng tôn pháp luật quốc tế; trong hoạt động quốc tế cần nắm chắc các nguyên tắc, quy định pháp lý quốc tế; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong ứng xử với các vấn đề chính trị, an ninh quốc tế…
Trước những biến động của cục diện thế giới, môi trường an ninh toàn cầu, Đại tá Đinh Đình Cường, Viện trưởng Viện chiến lược về An ninh quốc gia, Cục Khoa học chiến lược và Lịch sử Công an Nhân dân cho rằng, Việt Nam cần nắm vững tình hình, theo dõi sự thay đổi của các yếu tố tác động đến môi trường chiến lược, môi trường an ninh của Việt Nam, trọng tâm là quan điểm, chính sách, chiến lược của các nước lớn, các đồng minh, đối tác chiến lược của những nước này về ASEAN.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong nước, nhất là các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới nhằm góp phần củng cố, xây dựng thực lực quốc gia mạnh, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, khẳng định vị thế của Việt Nam; phát huy vai trò đối ngoại của lực lượng Công an Nhân dân; tiếp tục cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhằm phối hợp ứng phó với các thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống…
Ths Từ Anh Tuấn, Quyền giám đốc Trung tâm An ninh và phát triển, Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng, tính nhất quán trong hành động và lời nói của Việt Nam trong đóng góp cho an ninh quốc tế, đặc biệt kể từ khi trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế như đóng góp trong khuôn khổ đa phương Liên Hợp Quốc, đóng góp trong cơ chế an ninh khu vực ASEAN; củng cố lòng tin chiến lược trong các mối quan hệ, tạo nền tảng cho hòa bình và an ninh…
Từ thực tiễn trên, ông Từ Anh Tuấn đề xuất tăng cường sự phối hợp, gắn kết của đối ngoại trong an ninh và an ninh trong đối ngoại để nâng cao sức mạnh và vị thế của Việt Nam; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và chia sẻ thông tin giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh để ứng phó linh hoạt trước các thách thức bởi đây là trụ cột nòng cốt để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.