Sáng 10.4, tiếp tục Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.
Bổ sung 13 dự án luật vào Chương trình năm 2023
Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình và Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13.6.2022 của Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án luật; bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án Luật.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Năm tới, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án Luật gồm: dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật nêu trên; đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án Luật gồm: dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cùng với các đề xuất của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao cũng đề nghị bổ sung Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự ánLuật Tư pháp người chưa thành niên và dự án Pháp lệnh chi phí tố tụng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung Chương trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong tổng số 25 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 có 20/25 dự án là kết quả của 20 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, 5 dự án còn lại được các cơ quan đề xuất để đáp ứng yêu cầu mới tại các Nghị quyết, kết luận của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các dự án được đề nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ Năm gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình năm 2023.
Với 3 dự án luật đã được Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến, gồm dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự kiến, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung đồng thời xem xét đề nghị bổ sung 3 dự luật này vào Chương trình để báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao bổ sung 3 dự án Luật (gồm: dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất đưa vào Chương trình nhưng lùi tiến độ 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị lùi thời gian trình 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ để cân đối hợp lý số lượng nhiệm vụ mà Ủy ban Kinh tế đảm nhận tại Kỳ họp thứ Sáu.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, tại kỳ họp thứ Năm sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật (tính cả dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở). Tại Kỳ họp thứ Sáu sẽ trình Quốc hội thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật.
Chỉ xem xét những nội dung thực sự cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và cho rằng, Báo cáo đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về Định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XV, các cơ quan đã có tính chủ động hơn trong xây dựng luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, để đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu của thực tiễn cũng có nhiều dự án luật phát sinh hơn.
Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Việc xây dựng pháp luật được chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, tiến hành khẩn trương, đạt yêu cầu cả về chất lượng, tiến độ. Tiêu biểu là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đánh giá cao, hoàn thiện tốt hơn nhiều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa tính chủ động, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Chú trọng đến tính nối tiếp, “gối đầu” trong trình tự giải quyết công việc, tránh tình trạng có kỳ họp quá nhiều, có kỳ họp lại quá ít dự án luật.
Cùng với đó, phải tiếp tục khắc phục tình trạng chậm, muộn gửi hồ sơ, báo cáo, dẫn đến việc phải lùi tiến độ một số dự án luật, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải hạn chế tối đa việc ban hành các Nghị quyết để điều chỉnh pháp luật, không thể nào có một nội dung vừa có luật điều chỉnh, lại vừa có Nghị quyết như một luật để điều chỉnh được. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, nếu được làm sớm, chủ động thì không đến nỗi phải ban hành trước Nghị quyết quy định về một số nội dung liên quan đến xuất nhập cảnh, dẫn đến nội dung phân tán, có nội dung nằm trong luật, nội dung nằm trong Nghị quyết; đồng thời cho rằng, nên tập trung sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh theo hình thức rút gọn, tại một kỳ họp.
"Trong công tác xây dựng pháp luật, chúng ta chỉ làm những nội dung thực sự cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng, “đã chín”, đã rõ và có sự đồng thuận cao, chứ không ép, luật pháp không thể ép được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đi vào các dự án Luật cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số là cần thiết, vì hiện nay mới chỉ có Pháp lệnh Dân số. Dự án Luật Dân số đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ trước, nhưng do công tác soạn thảo chưa bảo đảm đủ điều kiện nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định để lại, khi nào đủ điều kiện mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đến nay, Bộ Y tế đã trình và đề xuất đưa vào Chương trình năm 2024.
"Tuy nhiên, trong lần trình này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chưa đưa vào Chương trình năm 2024 và đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết.
Cơ bản ủng hộ việc xây dựng dự án Luật Bản dạng giới, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị ĐBQH Nguyễn Anh Trí tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật, trong đó làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, mối quan hệ giữa các pháp luật có liên quan, tính khả thi của dự án luật; rà soát phạm vi dự án luật, đánh giá lại các chính sách của dự án luật. Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí và các cộng sự cần đầu tư nghiên cứu thấu đáo ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tuân thủ đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: từ nay đến tháng 5.2023, Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan tiếp thu kết quả Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 và Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 5 để xây dựng Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình thời gian qua và điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2023, 2024; trong đó đánh giá kỹ, nhìn lại kết quả xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phân tích kỹ tính chủ động, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cơ quan, những đổi mới về phương pháp, cách thức trong công tác xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm tính khoa học, dân chủ, pháp quyền, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan trong quá trình chuẩn bị với tinh thần từ sớm, từ xa.
Về Chương trình năm 2024, trong số 25 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau khi thảo luận, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất 20 dự án.
Đối với dự án Luật Dân số, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị với tinh thần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và phải đưa vào Chương trình năm 2024. Đối với dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các Ủy ban chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Về dự án Luật Bản dạng giới, các ý kiến tại Phiên họp đều đánh giá rất cao và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm của ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Tuy nhiên, do ý kiến của các cơ quan còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ủy ban Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế làm việc với đại biểu Nguyễn Anh Trí và báo cáo xin ý kiến lại Chính phủ để thống nhất nội dung, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 5 tới.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhấn mạnh tính cấp thiết của dự án Luật vì liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy.