
Là một tôn giáo cách tân, có xu hướng nhập thế, Phật giáo Hòa Hảo rất coi trọng hoạt động từ thiện xã hội. Trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã xác định đường hướng hành đạo là "vì Đạo pháp, vì Dân tộc". Tôn chỉ hành đạo là học Phật, tu Nhân, tại gia cư sĩ, giáo huấn tín đồ về Tứ ân (Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo, Ân đồng bào nhân loại); thực hiện 8 điều răn cấm, cứu giúp người nguy khó, tương trợ trong quan, hôn, tang, tế và hoạt động từ thiện hữu ích cho xã hội.
Phật giáo Hòa Hảo thờ Phật nhưng không bằng tượng cốt, tranh ảnh, mà là tấm Trần Dà (tấm vải màu nâu). Biểu tượng của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo là hình bông sen màu trắng nở 4 cánh trên nền màu dà, phía trên có dòng chữ Phật giáo Hòa Hảo màu vàng biểu hiện cho Tứ ân mà tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tuân tùng. Ngày đại lễ của đạo này là 18.5 âm lịch hàng năm.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là cư sĩ tại gia nên việc thờ phụng và hành đạo rất đơn giản, chủ yếu được tiến hành tại gia đình. Trong mỗi gia đình tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có 3 bàn thờ: Bàn thờ Phật cao nhất chỉ treo tấm Trần Dà; bàn thờ tổ tiên đặt dưới bàn thờ Phật; bàn thờ thông thiên thờ ngoài trời, ở trước cửa nhà. Phật giáo Hòa Hảo tuyệt đối không dùng vàng mã khi cúng giỗ, vì cho rằng đó chỉ là những thứ giả tạo, không cần thiết.
Phật giáo Hòa Hảo không dùng kinh kệ của Phật giáo mà chỉ đọc sấm giảng của ông Huỳnh Phú Sổ và miện Lục tự Di Đà (sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật) để tĩnh tâm. Do cách hành đạo niệm Lục tự Di Đà nên Phật giáo Hòa Hảo tự nhận là Pháp môn Tịnh độ Phật học tu nhân. Phật giáo Hòa Hảo không lạy người sống, trừ ông bà, cha, mẹ.
Theo thống kê của Vụ Các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ, Phật giáo Hòa Hảo hiện có gần 1,3 triệu tín đồ, tuyệt đại bộ phận là nông dân, có mặt ở 24 tỉnh, thành phố nhưng tập trung tại các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ.
Về tổ chức, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có tổ chức 2 cấp: Cấp toàn đạo có tên gọi là Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo; cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo cơ sở.