Theo đó, đối tượng dự thi là các nhà giáo trong các cơ sở GDNN và được tổ chức trong hệ thống GDNN từ cấp cơ sở GDNN, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cấp toàn quốc. Các bài dự thi phải là ý tưởng, sản phẩm của chính tác giả và chưa được công bố hay tham gia bất kỳ cuộc thi nào. Việc tổ chức Cuộc thi phải được chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình thức cũng như các bước tiến hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Các đơn vị, cá nhân tham gia Cuộc thi trên tinh thần đóng góp, giao lưu, chia sẻ, thực hiện đúng các nội dung của Thể lệ Cuộc thi và các quy định của Ban tổ chức Cuộc thi.
Các bài dự thi phải bám sát nội dung của cuộc thi; có cấu trúc rõ ràng, bao gồm: (a) Phần thuyết minh sản phẩm: Bài dự thi phải đầy đủ các thông tin về Tên bài dự thi, Chủ đề, Thông tin nhà giáo, email và số điện thoại liên lạc, đơn vị công tác, địa chỉ; công nghệ sử dụng trong bài giảng, ý tưởng về phương pháp sư phạm, tháng/năm hoàn thành sản phẩm (được trình bày trong một tệp văn bản). (b) Phần nội dung sản phẩm: Phải hoàn chỉnh một nội dung cụ thể (quy định tại khoản 1 và 2 phần II của Thể lệ này), trình bày theo kịch bản giảng dạy của nhà giáo…
Các tác phẩm dự thi sẽ qua 3 vòng và tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Dự kiến, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra tại Lễ bế mạc Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc ngày 5.11.2021, TP. Vinh, Nghệ An.
Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 4 giải Ba. Đồng thời, Nhà giáo đạt giải tại cuộc thi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phần thưởng. Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi dựa theo kết quả và chất lượng của bài dự thi. Ban Tổ chức có thể huy động thêm giải thưởng (nếu có). Thành tích của nhà giáo tham gia Cuộc thi được xem xét sử dụng làm tiêu chí đánh giá thi đua của năm học.