Theo Ban Tổ chức Đảng ủy Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2015-2024, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cắt giảm 3 đầu mối quản lý, chiếm tỷ lệ 10% tinh giản bộ máy; số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước/tổng số viên chức làm việc cũng giảm dần theo thời gian.
Năm 2015 có 3.502/5.603 viên chức tại đại học này nhận lương từ ngân sách nhà nước (62,5%), đến năm 2024 chỉ còn 1.154/6.400 viên chức (18%). Trong gần 10 năm, số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giảm 2.348 người. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, nhiều năm qua, đại học đã quán triệt, triển khai quyết liệt việc thực hiện nghị quyết và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về tự chủ đại học, đến năm 2024, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (34%); giảm 27% chi thường xuyên (178 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
“Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là phương hướng cần thiết trong thời gian tới” - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Chính phủ đề xuất 2 Đại học Quốc gia gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đại học Quốc gia sau khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quản lý.
Tiếp đó, tại cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ngày 9.12, 2 Đại học Quốc gia và các bộ, ngành liên quan về nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 Đại học Quốc gia.
Giám đốc 2 Đại học Quốc gia khẳng định, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị rất hợp lòng dân và được cộng đồng các cán bộ quản lý, nhà khoa học đánh giá rất cao. 2 Đại học đang chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn lại các đơn vị trực thuộc, nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập, hạn chế, tập trung vào mục tiêu phát triển, sứ mệnh đặt ra.