Thời gian qua, dư luận nhân dân vô cùng bức xúc về những vi phạm nghiêm trọng về môi trường của Công ty bột ngọt Vedan. Nhiều biện pháp xử lý đối với Vedan được đưa ra, từ xử phạt vi phạm hành chính, truy thu, bồi thường…, kể cả đề nghị khởi tố hình sự. Nhưng trên thực tế khó có thể áp dụng xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm này.
Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 tại Điều 8 đã đưa ra khái niệm rất rõ về tội phạm, cụ thể như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện...” và Điều 2 quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ Luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo luật hình sự Việt Nam, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân và tội danh đó phải được quy định trong Bộ luật hình sự.
Tại Chương XVII của Bộ Luật Hình sự 1999 quy định Các tội phạm về môi trường có 10 tội danh, trong đó có Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183). Theo đó: “Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Trong cấu thành tội phạm này bắt buộc phải có yếu tố đã bị xử phạt hành chính (cá nhân người vi phạm đã bị xử phạt hành chính trước đó chưa quá một năm) mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục, đồng thời phải gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Điều 6 Nghị định 81/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính như sau: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nếu quá một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt…”. Mặt khác, theo quy định thì việc xử phạt hành chính đã được áp dụng phải là cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, từ trước đến nay việc phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là phạt pháp nhân gây ô nhiễm chứ không phải phạt cá nhân người đại diện theo pháp luật (hoặc chủ doanh nghiệp) của đơn vị vi phạm. Trong khi đó, xử lý hình sự phải là xử lý cá nhân chứ không thể xử lý pháp nhân. Vì vậy chưa thấy có vụ gây ô nhiễm nào được khởi tố và chưa có cá nhân nào đứng trước vành móng ngựa vì gây ô nhiễm.
Như vậy, chỉ có thể cáo buộc Vedan là kẻ phạm tội hình sự sau khi họ đã bị xử lý về mặt hành chính mà vẫn còn tiếp tục vi phạm. Cụ thể, nếu họ đã từng bị phạt hành chính do hành vi xả chất thải trái pháp luật và chế tài đó chưa bị xóa trong lý lịch pháp lý của họ (chưa quá một năm), thì đối với vi phạm lần này của Vedan, việc truy cứu trách nhiệm hình sự mới có thể được tiến hành. Tuy nhiên, cái khó là để tiến hành xử lý về hình sự, cần xác định cho được cá nhân nào đang giữ trọng trách quản lý điều hành mọi hoạt động của Vedan và quy cho chủ thể đó về trách nhiệm đối với hành vi xả chất thải làm ô nhiễm nguồn nước. Các lần xử lý hành chính trước đây (năm 2005, 2006) đối với vi phạm của Vedan đều là xử phạt đối với pháp nhân Vedan, chưa kể, đó có thể là áp dụng đối với vi phạm về môi trường dưới hình thức khác. Như vậy, chưa xử lý hành chính đối với cá nhân thì sao có chuyện cá nhân đó tái phạm và làm sao để xử lý về hình sự những vi phạm của Vedan theo đúng quy định của pháp luật? Vì vậy mới có nhiều ý kiến cho rằng các tội phạm về môi trường quy định để cho có, còn trên thực tế thì... không xử được.
Vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về môi trường của Vedan là hồi chuông cảnh báo về sự cấp bách đối với công cuộc đổi mới hệ thống pháp luật hình sự đang vận hành, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, là trọng trách đặt lên vai các nhà làm luật trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự tới đây. Ở một góc nhìn rộng hơn, vụ việc của Vedan cũng cho thấy hệ thống pháp luật tưởng chừng quá đầy đủ và nghiêm khắc nhưng mỗi khi “lâm trận” lại tỏ ra yếu ớt, kém hiệu lực. Đó là một thực trạng xảy ra trên rất nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, gian lận người tiêu dùng, buôn lậu... Thực tế này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải thay đổi tư duy để tạo ra một hệ thống pháp luật hữu hiệu, có ích, để không chỉ xử lý vụ Vedan này mà còn nhiều Vedan khác tương tự và bảo vệ môi trường sống cũng như nhiều lĩnh vực khác. Đây cũng là mong mỏi của cử tri cả nước.

Quy trình mới có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã tách bạch quy trình chính sách với việc lập Chương trình lập pháp hàng năm, phân định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo. Với tinh thần đó, đối với các luật, pháp lệnh cần thực hiện quy trình chính sách sẽ gồm 4 bước cơ bản. Trên cơ sở chính sách được thông qua sẽ tiến hành soạn thảo theo quy trình 7 bước, trong đó đơn giản một số thủ tục hoặc một số loại hồ sơ, tài liệu. Quy trình này có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng.