Điều hành giá là “nghệ thuật”
ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023. Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để bảo đảm kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, điều hành giá là “nghệ thuật” bởi phải có sự uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước, đồng thời nguyên tắc là phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Về các giải pháp tổng thể trong điều hành giá, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nắm bắt thị trường để có kịch bản cụ thể, quyết tâm đạt được mục tiêu Quốc hội giao. Chẳng hạn như năm 2022 Quốc hội đặt ra chỉ tiêu CPI khoảng 4%, năm 2023 khoảng 4,5%.
Bên cạnh đó, điều hành giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu, tức là nhu cầu đặt ra như thế nào thì nguồn cung phải đáp ứng. Vấn đề này cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với những mặt hàng thiết yếu cho người dân như lương thực, thực phẩm… Điều hành giá cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật, đối với những mặt hàng nhà nước định giá thì cơ quan có thẩm quyền quyết định còn những mặt hàng nhà nước không định giá thì phải thực hiện những cơ chế theo quy định của pháp luật như niêm yết, kê khai, kiểm tra các yếu tố hình thành giá để có sự chấn chỉnh kịp thời.
Nhấn mạnh giải pháp rất quan trọng là tuyên truyền, thông tin đầy đủ về giá để người dân hiểu và ủng hộ công tác điều hành giá của Chính phủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải tránh trường hợp lạm phát hay giá tăng không kiểm soát được. Đặc biệt, khi trong tháng 7 tới sẽ tiến hành tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng, theo tính toán kỹ lưỡng của Chính phủ là sẽ không ảnh hưởng nhiều. “Tuy nhiên vẫn phải hết sức quan tâm, lưu ý để kiểm soát giá, phấn đấu tới cuối năm 2023 CPI nằm trong ngưỡng Quốc hội đã đề ra là khoảng 4,5%”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Tăng cường kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm
Quan tâm đến lĩnh vực lao động, ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Đại biểu cũng nêu thực tế giải ngân vốn đầu tư công chậm diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, từ đó đề nghị Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp căn cơ xử lý vấn đề này.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những tháng đầu năm 2023 đã xảy ra tình trạng người lao động bị mất việc, giảm việc tại những thành phố lớn, các khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm. Số lao động bị ảnh hưởng khoảng 510.000 nghìn người. Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi, khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì sẽ đáp ứng được nhu cầu việc làm của người lao động.
Về quyền lợi của người lao động, Phó Thủ tướng cho biết, các ngành, các cấp và các địa phương đã hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…; tăng cường kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm tại địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nắm bắt kịp thời, ngăn chặn tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về giao vốn và phân bổ đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 157 nghìn tỷ đồng tương đương 22,5%. Số tuyệt đối giải ngân nhiều hơn so với cùng kỳ 41 nghìn tỷ đồng. Nếu so với 5 tháng đầu năm của những năm trước thì con số này không phải là chậm nhưng so với mong muốn đưa vốn vào nền kinh tế thì cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng nêu rõ, 5 Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập đã và đang tích cực đôn đốc giải phóng mặt bằng, cải thiện trình tự thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực nhà đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để đạt được đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.