Linh hoạt giảm gánh nặng cho phụ huynh đầu năm học
Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Công văn số 2396/BHXH-TST ngày 06.8.2021 về việc thực hiện BHYT HSSV năm học 2021-2022 và Công văn số 2392/BHXH-TT ngày 06.8.2021 về đẩy mạnh truyền thông BHYT HSSV năm học 2021-2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công văn số 4445/UBND-KGVX ngày 14.9.2020 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện BHYT HSSV trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản của BHXH thành phố đã triển khai.
Đối với công tác thu BHYT HSSV, BHXH Thành phố đề nghị, BHXH các quận, huyện, thị xã phải linh hoạt trong phương thức thu phí BHYT, để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh vào đầu năm học (3 tháng, 6 tháng, hoặc 12 tháng). Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, dữ liệu do các cơ sở giáo dục chuyển đến (lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử). Hiện nay, theo quy định, hàng tháng, HSSV phải đóng BHYT với mức bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%; học sinh, sinh viên đóng 70%.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT HSSV được tính trên mức lương cơ sở này. Cụ thể: Mức lương cơ sở hiện hành (1.490.000 đồng/tháng) x 4,5% = 67.050 đồng/tháng. Trong đó, HSSV đóng 70%, sẽ tương đương 46.935 đồng/tháng và 563.220 đồng/năm (Nhà nước sẽ hỗ trợ 30%, tương đương đã hỗ trợ mỗi HSSV 20.115 đồng/tháng và 241.380 đồng/năm).
Quyền lợi của học sinh, sinh viên có thẻ BHYT
Về quyền lợi được hưởng, BHXH thành phố Hà Nội cho biết, trường hợp HSSV đăng ký khám chữa bệnh BHYT đúng nơi đăng ký ban đầu và thực hiện đầy đủ thủ tục đối với HSSV có thẻ BHYT (mã quyền lợi là 4) thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.
Trường hợp, HSSV khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến, mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ hưởng theo quy định cụ thể, như sau: 100% đối với khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện; 100% khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; và 40% khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương.
BHXH thành phố cũng cho biết, trường hợp HSSV khi đi khám chữa bệnh BHYT không xuất trình đầy đủ thủ tục tại nơi khám chữa bệnh ban đầu, được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT. Trường hợp HSSV khám chữa bệnh tại cơ sở không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH, sẽ được BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh.
Cụ thể: Khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng mức tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở, tương đương 223.500 đồng, khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng mức tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 745.000 đồng, khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng mức tối đa 1 lần mức lương cơ sở, tương đương 1.490.000 đồng và khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương được hưởng mức tối đa 2,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 3.725.000 đồng.
Theo Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH thành phố Dương Thị Minh Châu, việc thực hiện tốt chính sách BHYT, không chỉ bảo đảm cho HSSV - nguồn nhân lực tương lai của đất nước được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm được những rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài, phát sinh nhiều chi phí.
Theo BHXH thành phố, năm học 2020 - 2021, có 20 trường hợp HSSV đã được chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng, trong đó có 3 học sinh được thanh toán trên 500 triệu đồng. “Năm học mới 2021 - 2022 đang tới gần, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, tạo điều kiện giúp các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực, BHXH thành phố Hà Nội rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc tuyên truyền HSSV, cũng như phụ huynh của các em tham gia BHYT theo quy định của pháp luật”, bà Châu cho biết.