Tuyển sinh 2025: Nhiều trường đại học không còn “mặn mà” với xét tuyển điểm học bạ
Nhiều trường đại học lớn cho biết sẽ không dùng phương thức xét tuyển học bạ hoặc giảm mức ảnh hưởng của điểm học bạ trong tuyển sinh.
Theo dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sẽ không còn sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Thay vào đó, trường định hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức xét tuyển chủ đạo, sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là một kỳ thi độc lập, chiếm 40-50% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến chiếm 20% - 40% chỉ tiêu cho các ngành có xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70% - 80% cho các ngành còn lại. Phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT dự kiến chiếm 10% chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên chiếm 10-20% chỉ tiêu.
Từ năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã không còn xét tuyển bằng học bạ, dù các năm trước đó nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu. Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến vẫn áp dụng 3 phương thức xét tuyển, chỉ điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu. Theo đó, phương thức xét tuyển thẳng chiếm 2% chỉ tiêu; phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024; phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chiếm 15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Kể từ năm 2022 trở về trước, trường chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy nhưng 2 năm trở lại đây cũng đã bỏ yêu cầu này.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng bỏ ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất 3 cách tuyển sinh từ năm 2025 gồm Xét tuyển thẳng; Xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh học tập và tốt nghiệp THPT tại 149 trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.
Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh dự kiến dành 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ, giảm 10% so với năm 2024. Ngoài ra, trường dành 50-60% chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường cũng điều chỉnh không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo 3 học kỳ mà chỉ sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12.
Điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là bỏ hình thức xét tuyển học bạ, và chỉ sử dụng kết quả học bạ dành cho xét tuyển kết hợp. Năm nay trường chỉ áp dụng 5 phương thức tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT ra văn bản chấn chỉnh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về mở lớp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh không phép
Tuần qua Bộ GD-ĐT đã có văn bản chấn chỉnh về việc mở lớp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh khi chưa được cấp phép của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Theo đó, nhiều học viên các lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh VB2.12, VB2.13 (A,B), VB22.01 thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bất ngờ khi nhận được thông tin các lớp học này không tồn tại. Dù đã nộp mức học phí hàng chục triệu đồng nhưng sau thời gian dài hoàn thành khóa học, học viên vẫn không nhận được thông báo nhận bằng. Khi liên hệ với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để làm việc, phía trường thông báo đó là lớp học “chui”, không phải do nhà trường mở.
Tuy nhiên, quyết định công nhận đầu vào lại có dấu đỏ của trường, do Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa ký. Quá trình đào tạo cũng có sự tham gia của một số giảng viên trong trường.
Căn cứ kết luận của Thanh tra giáo dục, Bộ GD-ĐT kết luận đây là trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xây dựng và khẩn trương tổ chức thực hiện phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học liên quan theo đúng quy định. Kết quả thực hiện báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 28.12.
Bên cạnh đó, cử người đại diện theo pháp luật của trường tham gia buổi làm việc với Bộ GD-ĐT để xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp VB2.12, VB2.13 (A,B), VB22.01 vào ngày 26.12 tại trụ sở Bộ GD-ĐT.
Chính phủ phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030
Ngày 19.12.2024 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030.
Đề án nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.
Đồng thời, đề án phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Theo Đề án, Việt Nam sẽ chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước có nền giáo dục tiên tiến, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống; thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới.
Cùng với đó để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Đề án thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế.
Trường đại học cảnh báo sinh viên về các hình thức lừa đảo mới
Một số trường đại học đã gửi cảnh báo tới sinh viên các hình thức lừa đảo dưới dạng: thông báo sinh viên trúng tuyển học bổng, giả mạo thông tin họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế,... đang xuất hiện ngày càng nhiều. Các trường đại học đã liên tục phát cảnh báo, lưu ý sinh viên cảnh giác.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa phát cảnh báo sinh viên về hình thức lừa đảo dưới dạng thông báo sinh viên trúng tuyển học bổng, yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt đang diễn ra khá phổ biến gần đây.
Nhà trường xác nhận không phát hành thông báo cũng như tổ chức bất cứ buổi họp mặt giao lưu quốc tế nào tại trường vào ngày mà thư mời đề cập.
Sinh viên khi nhận thấy bất thường này cần kiểm tra và xác nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy theo các kênh thông tin chính thống của trường hoặc trực tiếp trình báo với công an”, thông báo của Trường Đại học Bách khoa nêu rõ.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng phát đi cảnh báo tới sinh viên, cho biết gần đây đã xuất hiện một số phương thức lừa đảo mới nhắm vào các đối tượng (phụ huynh, sinh viên, học sinh) có mong muốn được học tập tại nước ngoài.
Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi qua số điện thoại đến nạn nhân, sau đó sẽ tiến hành liên lạc trực tiếp như văn bản. Các chương trình này yêu cầu người tham gia phải đóng khoản phí từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng để tham gia, nhiều người đã bị lừa đảo.
Trường Đại học FPT mới đây cũng phát cảnh báo về một văn bản giả mạo nhà trường, thông báo chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản đang được gửi đến sinh viên.
Chương trình học bổng được Chính phủ Nhật Bản đài thọ 100% bao gồm vé máy bay quốc tế khứ hồi, học phí, chi phí, tham quan trong suốt thời gian học. Lộ trình của chương trình kéo dài 3 tháng với tất cả chi phí sẽ do nhà trường lo. Khi quyết định tham gia nhà trường sẽ tổ chức một cuộc họp phụ huynh tại khuôn viên trường.
Lãnh đạo Trường Đại học FPT khẳng định đây là văn bản giả mạo, đề nghị mọi người cần cảnh giác và nhấn mạnh, các thông tin chính thống đều phải được công bố trên các cổng thông tin chính thức của nhà trường. Đặc biệt, liên quan đến tài chính, FPT Edu áp dụng triệt để nguyên tắc không dùng tiền mặt, mọi khoản nộp nếu có đều qua tài khoản đứng tên trường, không đứng tên các cá nhân hoặc các đơn vị khác. Do đó, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi giải ngân.
Gần 1.000 thí sinh tham gia tranh tài tại Cuộc thi vô địch STEM, AI và Robotics 2024
Sau gần hai tháng triển khai vòng loại trên toàn quốc, Vòng Chung kết Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 (VSAR) chính thức diễn ra vào ngày 21.12 tại Cung Thể thao Tổng hợp Quần Ngựa, Hà Nội.
Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 là sự kiện có quy mô lớn, do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Hội đồng Đội Trung ương tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần Tiền Phong, ấn phẩm Hoa Học Trò trực thuộc báo Tiền Phong và Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học-Công nghệ phối hợp thực hiện.
Cuộc thi không chỉ là sân chơi khoa học sáng tạo mà còn góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp chuyển đổi số của Việt Nam. Với mục tiêu khơi dậy đam mê học tập STEM, trí tuệ nhân tạo và robotics, cuộc thi đã thu hút sự tham gia tích cực của hàng ngàn thí sinh tại vòng loại và chọn lọc được những đội xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
Vòng chung kết bao gồm 5 giải đấu chính, xoay quanh các chủ đề thiết thực và mang tính ứng dụng cao, giúp học sinh khám phá các lĩnh vực STEM, trí tuệ nhân tạo và robotics như: Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững; Năng lượng xanh; Robot giao hàng thông minh; Trường học tương lai…
Sau các vòng đấu gay cấn và kịch tính, Ban tổ chức đã trao 4 giải Vô địch cho 2 bảng THPT và THCS; 4 giải Nhì, 4 giải Ba cùng nhiều giải thưởng phụ. Bên cạnh đó, BTC và các đơn vị đồng hành cũng trao giải cho thí sinh tham gia các cuộc thi khác.
Tổng giá trị giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng, bao gồm: Giải thưởng tiền mặt, hiện vật, học bổng từ các học viện danh tiếng. Phần thưởng hiện vật như các bộ thiết bị STEM, robot giáo dục, xe đạp, máy tính...
Hà Nội: Vận động được hơn 330 tỷ đồng cho công tác khuyến học năm 2024
Theo báo cáo công tác khuyến học năm 2024 của Hội Khuyến học Hà Nội, công tác phát triển tổ chức Hội, hội viên là điểm nhấn của hoạt động khuyến học trong năm 2024.
Trong năm 2024, toàn thành phố vận động được 330,95 tỉ đồng xây dựng quỹ; riêng văn phòng Thành hội vận động được 658,7 triệu đồng. Tổng quỹ khuyến học các cấp thành phố là 438,77 tỉ đồng, bình quân đạt 52,669 đồng/người dân.
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng được các cấp hội triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, luôn có sự đổi mới, sáng tạo và tạo điểm nhấn để tuyên truyền sâu rộng, có sức lan tỏa cao đến các hội viên và quần chúng nhân dân.
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh hùng đề nghị Hội Khuyến học Hà Nội tiếp tục phát huy, phát triển các tổ chức hội khuyến học trong nhà trường, trong lực lượng vũ trang, trong đơn vị hành chính, sự nghiệp... nhằm lan tỏa phong trào học tập, học tập suốt đời đến cộng đồng. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền nhất là cụ thể hóa những nghị quyết của thành ủy, trung ương về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.