![]() Chân dung Đặng Tiểu Bình được trưng tại quảng trường ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc |
Mặc dù chưa bao giờ ở vị trí nguyên thủ quốc gia hay là người đứng đầu Chính phủ, Đặng Tiểu Bình luôn được coi là kiến trúc sư trưởng của mô hình phát triển Trung Quốc từ năm 1978, thời điểm Trung Quốc đang ở đáy sâu của khủng hoảng. 14 năm sau khi ông về nghỉ, 200 triệu người không còn sống trong cảnh nghèo đói, và Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế.
Những năm vừa qua Trung Quốc đã mất đi động lực đó. Tham nhũng đã trở thành vấn nạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế không còn ở mức hai con số và có chiều hướng giảm qua từng năm, trong khi phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Rõ ràng, Trung Quốc đang cần những cải cách sâu rộng cả về kinh tế lẫn xã hội. Và để làm được điều đó, học thuyết Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ là quá khứ:
Thí điểm từ đó nhân rộng mô hình: để cải cách thành công, cần tiến hành thí điểm chính sách ở địa phương phù hợp trước. Nếu có kết quả, Đặng Tiểu Bình để các cán bộ ở địa phương thí điểm phổ biến mô hình trên toàn quốc, cũng như cho phép các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm. Một trong những ví dụ thành công nhất chính là mô hình đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến. Năm 1979, Thâm Quyến bắt đầu mở cửa để các thương nhân Hong Kong tự do thành lập công ty và tự đặt ra những quy định quản lý riêng. Những quy định này tỏ ra hiệu quả và sau đó được áp dụng ở nhiều nơi.
Trọng nhân tài: chỉ những người có thực tài mới được kết nạp vào Đảng. Để có vị trí cao hơn, họ phải chứng minh được năng lực của mình. Các cán bộ đã có tuổi cần tự nguyện rời nhiệm sở để nhường cho người trẻ hơn.
Hạn chế tối đa mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền: vào năm 1978, nhiều cán bộ vẫn phản đối việc giải tán các hợp tác xã, mặc dù chế độ này không thể sản xuất ra đủ thực phẩm cho người dân. Thay vì cố gắng thuyết phục những ý kiến phản đối, Đặng Tiểu Bình ban hành chính sách cho phép các hộ nông dân được giữ lại sản phẩm, sau khi hoàn thành hạn mức sản phẩm cho nhà nước (chính sách khoán ruộng đất). Ngay sau đó, người dân Trung Quốc không những đủ ăn mà nông sản thừa còn được đem ra trao đổi buôn bán. Đặng Tiểu Bình để cho các nhà báo viết về những thành tựu đó và một năm sau thì toàn bộ Trung Quốc thống nhất bãi bỏ chế độ hợp tác xã.
Thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc: học thuyết ngoại giao của Đặng Tiểu Bình từng là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Ông luôn tỏ thái độ thân thiện với mỗi nhà lãnh đạo trên thế giới, bên cạnh việc thừa nhận những khác biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong lịch sử Trung Quốc, ông là nhà lãnh đạo đầu tiên đến thăm và trò chuyện với Nhật hoàng, từ đó đàm phán thành công các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản, thúc đẩy chương trình trao đổi nhân lực, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa hai nước bằng việc nhập khẩu các chương trình TV, phim và tiểu thuyết Nhật. Đặng Tiểu Bình cũng là người có công bình thường hóa mối quan hệ Mỹ - Trung. Chuyến thăm Mỹ năm 1979 và sự kiện một quan chức Trung Quốc đội chiếc mũ cao bồi gửi tới người dân Trung Quốc thông điệp: chẳng có gì là sai khi tiếp nhận tinh hoa văn hóa Mỹ và thế giới. Năm 1989, ông chào đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đến thăm Trung Quốc, để chứng tỏ rằng mối quan hệ song phương, từng gián đoạn từ năm 1963, đã được nối lại.
Đặng Tiểu Bình thuộc thế hệ những nhà cách mạng đầu tiên của Trung Quốc, đồng chí của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Ngày nay, vẫn còn nhiều điều mà những nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc cần học hỏi từ những di sản mà ông để lại, nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ sẵn sàng thử thách và thay đổi, quan điểm không bài ngoại, đường lối ngoại giao thực dụng, và chính sách trọng nhân tài.