Hành trình rời xa những miền quê
"Vì nghèo quá, khổ quá nên bác em đã đưa cả nhà em ra Hà Nội làm nghề đánh giày kiếm sống. Ngày ra đây em mới 17 tuổi thôi, giờ em đã có gia đình rồi", Đỗ Thị Tươi, 33 tuổi, Thanh Hóa.
"Vì mới ra Hà Nội nên em chỉ đi lên phố đi bộ được 2 lần và thỉnh thoảng đi dạo ở gần chỗ làm việc. Tranh thủ lúc chưa có khách cô chủ dẫn chúng em lên phố đi bộ để thư giãn và mở mang cho biết đó biết đây", Trương Thị Hoài Sương, 16 tuổi, Hà Tĩnh.
"Khi có ngày nghỉ, tôi chỉ đi dạo ở những nơi gần nhà, một phần vì không có phương tiện, một phần vì chỉ có một mình nên tôi không dám đi xa", Đặng Thị Tuyết, 23 tuổi, Cao Bằng.
"Vì chúng em là những người lao động chân tay, thời gian không có, tiền cũng không nên không thể đi đâu xa được. Vì vậy em rất mong gần chỗ mình ở có nhiều không gian chung sạch sẽ, thoáng mát, có nhiều các thiết bị như bập bênh, cầu trượt... để các cháu nhỏ có thể chơi đùa thoải mái", Nguyễn Thị Trâm, 34 tuổi, Hưng Yên.
Đó là vài trong số những câu chuyện của các nữ lao động di cư được kể trong triển lãm "Nơi tôi đến", khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chiều 6.4. Triển lãm là kết quả nghiên cứu với nhóm nữ lao động di cư tại địa bàn Hà Nội, thuộc dự án do Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Canada tài trợ.
3 chủ đề kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa các miền quê “Nơi tôi đi”, họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến”, và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước “Nơi ấy có tôi”.
Để thực hiện triển lãm, nhóm nội dung của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã gặp gỡ, phỏng vấn 20 nữ lao động di cư từ 16 - 34 tuổi, với đa dạng ngành nghề: từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong… Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình mưu sinh, với nỗ lực tìm kiếm, thực hiện ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Ước mong một ngày của họ là được nghỉ thảnh thơi để đến phố đi bộ, nhu cầu có chiếc ghế đá để ngồi trong công viên hay cần một không gian chung gần nơi ở… để thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ mưu sinh vất vả... Điều này được hiện diện qua những tư liệu hình ảnh, phim ngắn và bối cảnh dàn dựng trong triển lãm.
Nhu cầu về không gian công cộng
Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, phụ nữ vẫn chiếm số đông hơn trong những người di cư (55,5%). Dù tỷ trọng nam giới trong lực lượng lao động ở nước ta cao hơn so với nữ giới (52,7% so với 47,3%) nhưng tỷ trọng nữ giới trong lực lượng lao động di cư lại cao hơn (53,4% so với 46,6%). Và khoảng 2/3 (61,8%) người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20 - 39 tuổi. Riêng ở Hà Nội, có 32 phường, xã, cứ 10 người thì có ít nhất 3 người là nhập cư.
Nêu lên số liệu này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản ở nơi đến, cả về công việc và cuộc sống gia đình hơn nam giới.
Theo báo cáo tại hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022 cho thấy phụ nữ di cư bên cạnh nhu cầu kinh tế, tăng thu nhập; dạy nghề tạo việc làm cũng mong muốn được cải thiện môi trường sống ở nơi di cư, trong đó có các không gian công cộng.
"Vậy với những người phụ nữ lựa chọn các thành phố lớn là điểm đến trong hành trình cuộc đời, họ đã và đang thích nghi, hòa nhập như thế nào với cuộc sống nơi đây? Họ có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm một cách an toàn, bình đẳng tại những khu vực “thuộc về chung” này hay không?" - Đặt câu hỏi như vậy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng triển lãm "Nơi tôi đến" chính là một diễn đàn mở để lắng nghe những tiếng nói và tìm đáp án cho câu hỏi đó.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil nhận định: "Trong triển lãm này, phụ nữ trẻ có cơ hội hiện diện và cất lên tiếng nói. Và tại đây, các quan sát, ghi chép về tương tác của họ với không gian đô thị nơi họ sống được nhìn nhận và toát lên ý nghĩa. Đây là cơ sở để chúng ta đưa Hà Nội và các thành phố của Việt Nam trở nên đáng sống hơn, hòa nhập hơn và thân thiện hơn cho mọi người, bao gồm cả những bộ phận cư dân dễ bị tổn thương và dễ bị gạt ra ngoài lề xã hội".