Quản lý ngân quỹ nhà nước hiệu quả, an toàn
Đánh giá về công tác quản lý ngân quỹ nhà nước năm 2022, lãnh đạo KBNN cho biết, thông qua hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, số dư ngân quỹ nhà nước từ địa phương được tập trung toàn bộ về trung ương và gửi tại Ngân hàng Nhà nước.
Điều này giúp KBNN chủ động trong điều hành ngân quỹ nhà nước, bảo đảm khả năng thanh khoản, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản thanh toán, chi trả của ngân sách và các đơn vị giao dịch.
Bám sát diễn biến thu, chi ngân sách, KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước, trình lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt.
Đặc biệt, KBNN đã thực thi nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước.
Cụ thể là triển khai các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương vay, tạm ứng để xử lý thiếu hụt tạm thời, đáp ứng các nhu cầu chi đột xuất khi ngân sách chưa tập trung kịp nguồn thu. Đồng thời, giảm chi phí vay của ngân sách trung ương (do lãi suất vay ngân quỹ nhà nước thấp hơn so với lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường) và hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ khi thị trường gặp yếu tố bất lợi.
Bên cạnh đó, KBNN cũng sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách địa phương tạm ứng, giúp địa phương đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu thanh toán, chi trả (đặc biệt là các nhu cầu chi cho an sinh xã hội...) khi nguồn thu chưa tập trung kịp. Đối với nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, KBNN đã tổ chức đấu thầu cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao, bảo đảm công khai, minh bạch.
Ngoài ra, quản lý ngân quỹ nhà nước được gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý nợ. Trong bối cảnh tồn ngân quỹ nhà nước tại KBNN cao do một số nguồn chưa chi như nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn tăng thu tiết kiệm chi chưa được phân bổ, chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công…, Bộ Tài chính đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ và sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay và giúp ngân sách trung ương giảm được chi trả lãi vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ quản lý hiệu quả ngân quỹ nhà nước, từ đầu năm đến tháng 12.2022, KBNN tiếp tục nộp vào ngân sách nhà nước 1.200 tỷ đồng. Luỹ kế số tiền KBNN nộp vào ngân sách nhờ quản lý hiệu quả ngân quỹ nhà nước khoảng 16.500 tỷ đồng.
Quản lý chủ động, theo nguyên tắc thị trường
Bước sang năm 2023, KBNN sẽ tiếp tục tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống, gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ. Đây là những bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt mục tiêu quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động theo nguyên tắc thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính nhà nước. Đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế; đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ bình quân 1 - 2 ngày.
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và phù hợp với tiến trình hiện đại hóa hướng tới kho bạc số vào năm 2030, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2016/NĐ- CP của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.