Phát sinh chi phí, mất cơ hội vì thủ tục
Tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về các văn bản quy phạm pháp luật, phát triển ngành phân bón trong nước” do Báo Kiểm toán tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Tổng công suất mỗi năm trên 20 triệu tấn các loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước khoảng 11 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu sang gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Gần 20 năm qua, việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung, phân bón nói riêng được thực hiện theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây là hai luật gốc, chi phối đến nhiều luật khác và đã có những tác động nhất định, tích cực trong quản lý chất lượng sản phẩm, bao gồm phân bón. Tuy vậy, các luật này cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Ông Nguyễn Trí Ngọc chỉ rõ, theo quy định hiện hành, việc quản lý chất lượng phân bón phải có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. “Đây là điểm mấu chốt cho các bất cập”. Theo đó, mỗi năm, với trên 100.000 sản phẩm phân bón mới đồng nghĩa sẽ phải có trên 100.000 giấy chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; điều này chủ yếu để chứng nhận sản phẩm, vật tư đầu vào, không chứng nhận được chất lượng sản phẩm cuối cùng của phân bón - đây mới là điều quan trọng. Chính vì nặng về tiền kiểm đã tạo sơ hở trong quản lý chất lượng sản phẩm, khi thực tế có tình trạng doanh nghiệp sau khi được chứng nhận hợp quy thì sản xuất phân bón không đáp ứng yêu cầu chất lượng cũng như quy định.

Ảnh: vietq.vn
Cũng theo ông Ngọc, phân bón được đưa vào nhóm 2, tức phải quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật và phải công bố hợp quy. Vì hai luật trên là luật gốc, rất nhiều luật chuyên ngành phải điều chỉnh theo, dẫn đến thủ tục hành chính trong quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón rất phức tạp, nhiều thủ tục mang tính hình thức, phát sinh rất nhiều chi phí. “Tất cả những điều đó dẫn đến hạn chế sự phát triển, hội nhập của doanh nghiệp phân bón. Nếu cứ phải chịu gánh nặng chi phí không cần thiết này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trí Ngọc phát biểu.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao Trần Đại Nghĩa bổ sung, đơn vị hiện có khoảng 200 sản phẩm phân bón, bao gồm sản phẩm vô cơ truyền thống và sản phẩm phục vụ nông nghiệp xanh, giảm phát thải. Hàng năm, thực hiện đánh giá hợp quy và công bố hợp quy khiến chi phí đội lên hàng tỷ đồng. Doanh nghiệp buộc phải tính chi phí này vào giá bán, ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân. Cùng với đó, việc thực hiện thủ tục này mất nhiều thời gian khiến doanh nghiệp không thể nhanh chóng hoàn thành đơn đặt hàng, mất đi cơ hội.
Chuyển sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có phân bón, là rất cần thiết và phải tiến hành thường xuyên để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Để làm được điều này, đại diện hiệp hội và doanh nghiệp đồng tình cho rằng cần phải sửa đổi cả hai luật gốc là Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như các luật chuyên ngành có liên quan.
Dự kiến, tại Kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Góp ý vào việc sửa đổi luật, ông Trần Đại Nghĩa cho biết, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là bỏ việc đưa phân bón thuộc nhóm 2, đồng nghĩa không phải làm hợp quy, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, đầu tư vào các sản phẩm mới, thân thiện môi trường để phục vụ nền nông nghiệp xanh cũng như nhanh chóng đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng.
Ông Nghĩa phân tích, hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là quy chuẩn kỹ thuật cao nhất mà các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ. Các sản phẩm đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là đã bảo đảm tính pháp lý cao nhất để được lưu hành. Đây sẽ là căn cứ để các doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm của mình, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đó khi lưu hành trên thị trường. Do vậy, việc bắt buộc đánh giá sự phù hợp dưới hình thức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy là không cần thiết; chưa kể, kết quả đánh giá hợp quy chỉ phản ánh tại thời điểm đánh giá chứ không phản ánh được cả quá trình.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Trí Ngọc đề xuất “tốt nhất là đưa hai luật gốc vào cùng một luật, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đưa vào làm một chương của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Đồng thời, cần mạnh dạn bỏ phân loại hàng hóa theo nhóm 1, 2, như thế mới bỏ luôn hợp quy và chứng nhận hợp quy. Song song, cần rà soát các luật để cắt giảm thủ tục, bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục mà lãnh đạo Đảng, Chính phủ đề ra.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, khi sửa đổi hai luật gốc cần sửa đổi các luật chuyên ngành để bảo đảm tính đồng bộ. Chẳng hạn, hiện nay Luật Trồng trọt quy định phải khảo nghiệm phân bón, trong khi đây là thủ tục gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp, thông thường phải mất tới 2 - 3 năm. “Nên bỏ quy định khảo nghiệm với các sản phẩm đã lưu hành, còn với các sản phẩm mới dứt khoát phải có khảo nghiệm”, ông Nguyễn Trí Ngọc đề xuất.
Vấn đề đặt ra là nếu bỏ quy định hợp quy thì cần làm cách nào để bảo đảm chất lượng phân bón? Ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, hiện nay quản lý phân bón có nhiều cách thông minh và hiệu quả hơn. Trước hết, cần thay đổi tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức phải kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa ở giai đoạn cuối, trước khi đưa ra thị trường. Chúng ta đã có phương tiện - đó là theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn cơ sở và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý kiểm tra xem doanh nghiệp có làm đúng hay không, nếu không đúng sẽ bị xử phạt, thậm chí có chế tài mạnh hơn là không cho sản xuất nữa. Mặt khác, các nước trên thế giới cũng không quản lý hợp quy phân bón, do đó Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng cho phù hợp.
Nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải quản lý được chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Trí Ngọc lưu ý, yêu cầu rất quan trọng là phải thường xuyên tăng cường công tác quản lý nhà nước để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. “Nếu không tăng cường quản lý nhà nước, không phân công trách nhiệm rõ ràng thì chất lượng sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ bị lạm dụng”.