Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thị trường thực phẩm dinh dưỡng hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhu cầu sử dụng gia tăng. Theo Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, giai đoạn 2022 - 2024, có trên 1.000 vụ việc liên quan đến sữa bột giả bị xử lý; riêng năm 2023, số vụ tăng hơn 30% so với năm trước. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ pha trộn nguyên liệu công nghiệp, sử dụng hương liệu tổng hợp đến đóng gói bao bì nhái thương hiệu cao cấp. Một vụ điển hình là cuối năm 2023, tại Hưng Yên, đã phát hiện một cơ sở sử dụng sữa công nghiệp không đạt chuẩn để sản xuất “sữa công thức cao cấp” cho trẻ em, tiềm ẩn nguy cơ gây suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa.

Thị trường sữa giả không chỉ tồn tại ở chợ truyền thống mà còn len lỏi trên sàn thương mại điện tử. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2023 có tới 18% người tiêu dùng gặp hàng giả khi mua sắm trực tuyến, trong đó sữa và sản phẩm dinh dưỡng đứng thứ ba về tỷ lệ phản ánh. Hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, núp bóng “hàng xách tay” vẫn trôi nổi trên thị trường, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế cho biết, năm 2023 ghi nhận hơn 4.200 ca nhập viện do ngộ độc thực phẩm liên quan đến sữa và chế phẩm dinh dưỡng, nhiều trường hợp bắt nguồn từ sản phẩm trôi nổi. Một khảo sát đầu năm 2024 cho thấy, 64% phụ huynh lo ngại khi mua sữa công thức ở các kênh bán lẻ nhỏ, trong khi hơn 42% ưu tiên hàng nhập khẩu do thiếu lòng tin vào hàng nội địa. Vụ việc đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc siết chặt kiểm tra, giám sát thị trường thực phẩm dinh dưỡng.
Còn nhiều kẽ hở
Thực trạng hiện nay cho thấy, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng vẫn còn chồng chéo, thiếu hiệu lực - tạo kẽ hở để hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục lẩn khuất trong chuỗi cung ứng.
Đơn cử, Bộ Công Thương - lực lượng quản lý thị trường là tuyến đầu trong kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, năm 2023 ghi nhận trên 1.700 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng, phần lớn do thiếu giấy tờ hợp pháp. Nguồn lực kiểm tra tại cơ sở còn hạn chế, chủ yếu hậu kiểm, khiến khó ngăn chặn vi phạm từ đầu. Bộ Y tế - đơn vị chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, vẫn đang áp dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, kiểm tra sau công bố còn lỏng lẻo. Báo cáo năm 2023 cho thấy, hơn 65% cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng không đạt chuẩn ngay từ lần kiểm tra đầu tiên. Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phụ trách chất lượng nguyên liệu đầu vào từ nông, thủy sản nhập khẩu, nhưng phối hợp với Bộ Y tế trong kiểm nghiệm còn thiếu chặt chẽ…
Hiện, nhiều sản phẩm chỉ cần tự công bố mà không qua kiểm nghiệm độc lập ban đầu. Cơ chế hậu kiểm còn yếu, thiếu quy định kiểm nghiệm định kỳ, kiểm soát nguyên liệu đầu vào - đầu ra chưa đầy đủ. Hạ tầng phòng thí nghiệm ở địa phương còn lạc hậu, phụ thuộc Trung ương. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa thông suốt. Một sản phẩm có thể chịu sự quản lý của 3 bộ và 2 cấp chính quyền, gây chồng chéo và khó kiểm soát. Chế tài xử lý vi phạm chủ yếu hành chính, ít khi bị đình chỉ lưu hành hoặc truy tố. Năm 2023, chỉ 4 vụ việc bị chuyển cơ quan điều tra - con số quá thấp so với hàng trăm vụ mỗi năm ở các nước phát triển.
Hoàn thiện pháp lý, tăng răn đe - yêu cầu cấp thiết
Thị trường thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng đang bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý, từ chất lượng đến quảng cáo, nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cần được siết chặt, phân định rõ ràng hơn. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hậu kiểm thực chất, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, đồng thời nâng cao chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là trách nhiệm chính trị trong việc bảo đảm quyền được sống khỏe mạnh của nhân dân.
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về kiểm soát chất lượng hàng hóa. Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử đang gây bức xúc trong dư luận. Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, năm 2024 tỷ lệ hàng vi phạm trên các sàn tăng 32% so với năm 2022, trong đó gần một nửa là hàng nhái, gần 30% không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý vi phạm còn rất thấp, chủ yếu dừng ở mức phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề xuất cần khẩn trương hoàn thiện các luật liên quan như Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời xây dựng Luật Truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng cần được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt, buộc thu hồi sản phẩm vi phạm, công khai thông tin trong vòng 24 giờ sau khi xử phạt. Đồng thời, cần tăng cường năng lực hậu kiểm cho các lực lượng chức năng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như QR, blockchain trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa - hiện mới chỉ được áp dụng ở khoảng 12% doanh nghiệp. Các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần được trao quyền tham gia giám sát độc lập và phản biện chính sách.
Một nội dung quan trọng khác là tăng tính cưỡng chế hình sự. Hiện số vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị khởi tố còn rất thấp so với thực tế vi phạm. Nhiều chuyên gia đề xuất cần hạ ngưỡng truy cứu, bổ sung hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, cấm kinh doanh vĩnh viễn. Song song, truyền thông xã hội giữ vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức tiêu dùng. Số cuộc gọi phản ánh đến đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tăng 23% trong năm 2024 cho thấy hiệu quả tích cực từ các chiến dịch truyền thông đúng hướng.
Kiểm soát hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu và sản phẩm dinh dưỡng, không chỉ là nhiệm vụ quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chính trị nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục lắng nghe từ thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế.