Thời điểm vàng để kích cầu nội địa
Tại Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 25.4, ông Phạm Đức Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí cho biết, nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, cùng nguy cơ bảo hộ thương mại lan rộng. Dù Mỹ tạm hoãn chính sách áp thuế trong 90 ngày, nhưng tình hình vẫn đặt ra yêu cầu cấp bách: phải củng cố vững chắc thị trường nội địa, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10.4.2025, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, đồng thời đề ra loạt giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm lãi suất vay và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp… Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tiêu dùng nội địa là động lực quan trọng của tăng trưởng. Để GDP đạt 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải tăng 12%. Đây là con số đầy thách thức so với mức 9% của năm 2024.

Theo ông Trần Anh Thắng, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tiêu dùng nội địa và tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ. Trong năm 2024, tín dụng tiêu dùng giảm từ 15% xuống còn 12% tổng dư nợ, cho thấy dấu hiệu chững lại. Nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư, xuất khẩu và thiếu sức cầu nội địa sẽ khiến Việt Nam dễ tổn thương trước biến động toàn cầu. “Chính sách thuế quan của Mỹ có thể trở thành cơ hội cho hàng Việt. Khi hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, hàng Việt có thể được ưu tiên hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa nếu nguồn cung và chất lượng đảm bảo. Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi và ưu tiên tiêu dùng hàng Việt,” ông Thắng nhấn mạnh.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân là không gian hấp dẫn và an toàn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh hiện nay rất lớn do nguy cơ chuyển hướng thương mại - hàng hóa từ các nước láng giếng, như Trung Quốc, khi không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ xâm nhập các nước khác, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ, nên sức ép cạnh tranh sân nhà càng khốc liệt.
Cần Nhà nước hỗ trợ phát triển chuỗi phân phối
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng được thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối vững chắc. Tuy nhiên, đây là điều không dễ, đặc biệt với người nông dân - những người vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ các kênh phân phối quan trọng, gây ra rào cản đáng kể cho doanh nghiệp trong nước khi muốn tiếp cận và đưa hàng hóa vào hệ thống này. Vì vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc phát triển chuỗi phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và đồng bộ.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ được thể hiện hết sức mạnh mẽ, sâu sắc. Vấn đề đặt ra là: liệu chúng ta có thể chuyển hóa được nguồn sức mạnh ấy thành hành động cụ thể - bằng việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, ủng hộ doanh nghiệp Việt, lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc trong tiêu dùng?
Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nội địa, ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Eximbank đề xuất phát triển các sản phẩm vay nhỏ, linh hoạt, không cần tài sản bảo đảm, nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu thiết thực như mua sắm đồ gia dụng, thanh toán học phí, du lịch nội địa, chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, cần mở rộng tín dụng tiêu dùng xanh và tiêu dùng số, cụ thể như các gói vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, sản phẩm tiêu dùng bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua các kênh đối tác như mô hình "mua trước trả sau" (BNPL), công ty fintech và các nền tảng thương mại điện tử, nhằm tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng trẻ và thúc đẩy quá trình số hóa.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát rủi ro và chi phí cho vay, đồng thời điều chỉnh hạn mức tín dụng (room) theo hướng ưu tiên cho các khoản vay tiêu dùng phục vụ sản xuất và các nhu cầu thiết yếu. Ông Thắng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái xem xét vấn đề này, với kỳ vọng trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại sẽ được nới room tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường trong nước.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, trước đây, khi kinh tế thế giới suy giảm, các quốc gia có cơ cấu kinh tế dựa vào xuất khẩu - như Việt Nam - đều xác định cần đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, tính cấp bách và cấp thiết của yêu cầu này đã tăng lên gấp đôi. “Vì vậy, thay vì chỉ dừng lại ở việc xây dựng chiến lược, chúng ta cần khẩn trương triển khai các kế hoạch hành động cụ thể, được lượng hóa rõ ràng bằng chương trình thực thi, có nguồn lực bảo đảm, và tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm ưu tiên”, ông Hiếu nhấn mạnh.