PGS.TS Ngô Tứ Thành – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có bài viết phản ánh về Nghị định 50/2022/NĐ-CP (viết tắt Nghị định 50) [1] mới ban hành để các Giáo sư có cái nhìn công bằng về cụm từ “Giáo sư nghỉ hưu” đang rất “nóng” và tư vấn giúp Bộ GD-ĐT tìm cách xử lý tình huống nhạy cảm một cách tối ưu nhất.
Nét “văn hóa” của Nghị định 50
Điều 169 - Bộ Luật Lao động 2019 [2]: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ”. Riêng đối với Giáo sư, theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP, viết tắt là Nghị định 141 [3], từ năm 2014 đến ngày 15/08/2022, giáo sư được kéo dài đến 70 tuổi mới nghỉ hưu.
Tăng tuổi nghỉ hưu là một chủ trương đúng của Đảng và Chính phủ, được bàn thảo từ năm 2014 đến năm 2020 mới thực hiện. Quá trình triển khai theo lộ trình được điều chỉnh cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Nghĩa là lao động Nam bắt đầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2020, mỗi năm tăng 3 tháng đến 2028 mới tăng được 2 năm.
Trong khi cả thế giới đang theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, thì Việt Nam bất ngờ giảm tuổi nghỉ hưu của Giáo sư từ 70 xuống 65 chỉ bằng “một nốt nhạc” thông qua Nghị định 50.
Ngày 2/8/2022 ký Nghị định 50 thì ngày 15/8/2022 thực hiện ngay để hủy Nghị định cũ (Nghị định 141), dẫn đến các Trường Đại học trong cả nước vội vàng lập danh sách các Giáo sư 65 tuổi để làm thủ tục về hưu ngay!?
Có cần thiết phải vội vàng như vậy không? Đặc biệt đối với đội ngũ trí thức đã được xem “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” chưa ?
Bất ngờ nhất là bản Dự thảo Nghị định này [4] khi đưa về cơ sở đại học góp ý rất khác nội dung Nghị định 50.
Nghị định 50 nhằm cụ thể hoá Bộ luật Lao động 2019?
Có ý kiến giải thích: Điều 169 - Bộ Luật Lao động 2019 quy định:”Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao… có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi”, nên Nghị định 50 nhằm cụ thể hóa Bộ Luật Lao động 2019, không cho phép giáo sư kéo dài nghỉ hưu quá 5 năm.
Giải thích này không thuyết phục, vì: Theo điều 187 Bộ Luật Lao động số: 10/2012/QH13 (gọi tắt Bộ luật lao động 2012) [5] cũng qui định: “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao… có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm…”
Tuy nhiên điều 9 Nghị định 141 cũng nhằm cụ thể hóa Bộ luật lao động 2012 vẫn cho phép: giảng viên có chức danh Giáo sư được kéo dài 10 năm?
Một câu hỏi cần được giải đáp: Nghị định của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Bộ Luật Lao động tương ứng của Quốc hội, nhưng tại sao Nghị định 141 vẫn cho phép: giảng viên có chức danh Giáo sư được kéo dài 10 năm, trong khi Nghị định 50 không cho phép giáo sư kéo dài nghỉ hưu quá 5 năm.
Số phận của các Giáo sư nghỉ hưu ở tuổi 65
Theo Luật Giáo dục 43/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019 (viết tắt Luật Giáo dục 2019) [6]. Điều 68. Giáo sư, phó giáo sư:”Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm.” Nghĩa là theo luật giáo dục 2019, GS/PGS khi nhận sổ hưu, thì không được mang danh GS/PGS, vì cơ sở giáo dục đại học không quản lý cán bộ hưu trí và không bổ nhiệm GS cho cán bộ hưu trí.
Điều 71. Thỉnh giảng (của Luật Giáo dục 2019)
1. Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng.
2. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 69 của Luật này. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác.
Luật Giáo dục 2019 nhấn mạnh: giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác. Nghĩa là một trong những tiêu chuẩn để được thỉnh giảng ở cơ sở giáo dục khác là giảng viên đó phải hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác. Như vậy, theo Luật Giáo dục 2019: Không có “cửa”cho cán bộ hưu trí làm giảng viên thỉnh giảng.
Nếu làm đúng Luật Giáo dục 2019, Giáo sư khi nghỉ hưu gọi là cán bộ hưu trí, không được mang danh Giáo sư, không có cơ sở giáo dục nào quản lý nên không được làm giảng viên thỉnh giảng ở các cơ sở giáo dục Đại học.
Việc để các giáo sư còn sức khỏe, còn nhiệt huyết phải ngồi nhà chờ nhận lương hưu là một sự lãng phí chất xám, biến “hiền tài thành gánh nặng quốc gia”.
Kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các Trường Đại học
Thứ nhất, các Trường Đại học cần xem lại việc lập danh sách nghỉ hưu cho các giáo sư 65 tuổi, giảm tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình. Không tự ý suy diễn để gây khó khăn cho đội ngũ giáo sư.
Thứ hai, Chính phủ & Bộ GD-ĐT cần ra thông tư gửi các Trường Đại học, hướng dẫn cụ thể triển khai Nghị định 50, nhấn mạnh đến đối tượng thực hiện.
Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần có số liệu tổng kết, chỉ ra được việc tăng tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 141 đã lỗi thời... nhằm chứng minh một cách thuyết phục: phải giảm tuổi nghỉ hưu giáo sư theo Nghị định 50 cho đối tượng sinh sau năm 1961.
Khi không chỉ ra được bất cập của Nghị định 141 thì cần xem lại điều 3 Nghị định 50.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị định 50/2022/NĐ-CP
2. Điều 169-Bộ Luật lao động 2019 số 45/2019/QH14
3. Điều 9 Nghị định 141/2013/NĐ-CP
4. Dự thảo “Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học”
5. Điều 187 Bộ Luật Lao động số: 10/2012/QH13
6. Luật giáo dục 43/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019