Làn sóng biểu tình có xu hướng lan rộng
Theo AFP, nhiều hoạt động phản kháng đã đồng loạt diễn ra trong ngày 25.1 với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Trên quốc lộ N7, người biểu tình chặn "nhiều xe tải nước ngoài, đa số là từ Tây Ban Nha, Morocco hay Bulgaria", dỡ hàng hóa thực phẩm, như cà chua, trái bơ… đổ lên mặt đường. Trên đường cao tốc A65, nông dân đã đổ tám xe tải lớn chứa đất, gạch vụn, cành cây trên hàng trăm mét, khiến giao thông tắc nghẽn. Trên trục đường cao tốc A1ven thành phố Lille ở miền bắc, hàng chục tài xế máy kéo nối đuôi nhau giương khẩu hiệu "Nông nghiệp đang sụp đổ".
Trước đó, những nông dân trồng nho đã phá cửa hai nhà kho của một siêu thị thuộc tỉnh Hérault, sau khi đốt cháy nhiều khay chở hàng của một cơ sở buôn rượu vang nổi tiếng.
Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nông dân Pháp FNSEA, phong trào phản kháng sẽ lan ra khắp 85 tỉnh của nước Pháp trong nay mai. Trên đài truyền hình BFMTV, chủ tịch FNSEA của tỉnh Oise, vùng Hauts de France, cảnh báo là các nông dân tỉnh này sẽ lái máy kéo đến các cửa ngõ của Paris trong ngày 26 hoặc 27.1.
Họ cho biết các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục chừng nào yêu cầu của họ không được đáp ứng. Chiến dịch biểu tình quy mô lớn của nông dân Pháp đã kéo dài sáng đến tuần thứ 2, bùng phát ở phía Tây Nam và đang bắt đầu lan tới Paris, đặt ra thách thức lớn đầu tiên đối với vị Thủ tướng trẻ tuổi mới được chỉ định của Pháp Gabriel Attal.
Theo thông tin từ tờ Le Parisien và BFMTV, các cơ quan tình báo Pháp đã cảnh báo chính phủ rằng các liên đoàn nông nghiệp khu vực đã kêu gọi các thành viên của họ tập trung về thủ đô trong bối cảnh Thủ tướng Attal sẽ triệu cập các bộ trưởng cấp cao vào ngày 26.1 để công bố các đề xuất cụ thể.
Từ bất an đến tức giận
“Có quá nhiều quy định buộc nông dân phải tuân theo; chúng tôi ngày càng phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn hơn, đáp ứng nhiều yêu cầu hơn trong khi lợi nhuận ngày càng ít đi. Chúng tôi không thể sống bằng nghề nông nữa”, nông dân Jean-Jacques Pesquerel, 61 tuổi từ Giệp hội Calvados Co Organisation Rurale bày tỏ.
Vào cuối ngày 24.1, Nghiệp đoàn FNSEA đã trao cho chính phủ một danh sách các yêu cầu gồm 24 điều, trong đó nổi bật là lời kêu gọi viện trợ cho nông dân; giảm bớt các quy định; thanh toán các khoản bồi thường ngay lập tức
Cụ thể, liên FNSEA và Hiệp hội Nông dân trẻ (JA) yêu cầu “phản hồi ngay lập tức về tiền thù lao”, bao gồm viện trợ khẩn cấp cho “các lĩnh vực đang gặp khủng hoảng nhất” chẳng hạn như nông dân trồng nho và nông dân trồng các sản phẩm hữu cơ, và về lâu dài, thực hiện “dự án nhằm giảm bớt các tiêu chuẩn”.
Kế hoạch tăng thuế đối với dầu diesel không dùng cho đường bộ (GNR), một loại nhiên liệu được sử dụng trong máy kéo của người nông dân, là một trong những yếu tố gây ra sự tức giận của giới nông nghiệp. Họ yêu cầu Chính phủ ngay lập tức có biện pháp để giảm loại thuế này đối với các phương tiện như máy kéo.
Các công đoàn cũng đòi được “bồi thường đầy đủ thông qua việc thực hiện ngay lập tức tín dụng thuế”. Họ yêu cầu “thanh toán tất cả viện trợ từ chính sách nông nghiệp chung của Châu Âu ngay lập tức bất kể lý do gì liên quan đến quy trình thủ tục chưa thể thanh toán”, cũng như “thanh toán nhanh nhất có thể cho tất cả các khoản bồi thường y tế và khí hậu mà Nhà nước cam kết miễn thuế.
Nỗi lo ngại của Chính phủ Pháp
Chính phủ Pháp họp đã khẩn cấp triệu tập cuộc họp để thảo luận các biện pháp tháo gỡ. Cuộc họp có sự tham gia của Bộ trưởng Nông Nghiệp Marc Fesneau, Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire, và Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Christophe Béchu.
Chủ tịch nhóm dân biểu Modem thuộc liên minh cầm quyền Jean-Paul Mattei đánh giá: các yêu sách của FNSEA về trợ giúp khẩn cấp cho một số lĩnh vực đang gặp khó khăn là nhiều nhất và "cắt giảm các thủ tục" về dài hạn là các đòi hỏi hợp lý.
Trước đó, Thủ tướng Attal đã cam kết sẽ nhanh chóng đưa ra những đề xuất hợp lý.
Những nhân vật cầm quyền ở Paris lo ngại phong trào biểu tình ở Pháp, được truyền cảm hứng từ các cuộc biểu tình của ông dân trên khắp châu Âu, từ Đức, Ba Lan, Romania… đồng thời lại được thổi bùng lên bởi những nhân vật thuộc các đảng cực hữu, sẽ diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cáo buộc chính phủ đang phục tùng các quy định của châu Âu và gây tổn hại cho nông dân, chẳng hạn như các quy định về đất bỏ hoang bắt buộc. Công đoàn CGT cánh tả, tổ chức lớn thứ hai trong nước, đã kêu gọi các thành viên của mình hợp tác với nông dân để tạo điều kiện cho một phong trào xã hội rộng lớn hơn chống lại chính phủ.
Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp đã hoãn dự thảo luật nông nghiệp vì luật này sẽ tăng cường một số biện pháp có thể không được lòng giới nông dân.
Trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo rằng, thái độ bất mãn hiện nay của nông dân sẽ thúc đẩy các nghiệp đoàn nông dân, không chỉ ở Pháp mà trên khắp châu Âu, ủng hộ phe cực hữu. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm nếu trong cuộc bầu cử tháng 6 tới, phe cực hữu giành được số ghế đáng kể ở cơ quan lập pháp châu Âu.