Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về hình sự, thì triết lý đầu tiên là tiếp tục dân chủ hóa hơn nữa trong lĩnh vực hình sự. Tiếp đến là việc sửa đổi toàn diện bộ luật phải dựa trên tổng kết kỹ thực tiễn, khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra. Phúc đáp yêu cầu, trào lưu chung của quốc tế trong những điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Triết lý này có được quán triệt trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) này không? Về cơ bản, dự án bộ luật trình QH lần này chưa phúc đáp được những yêu cầu đó. Khi thẩm tra dự án bộ luật này, chúng tôi cảm thấy bị hụt hẫng. Nhiều vấn đề đưa ra sửa đổi đã được đặt vấn đề từ hàng chục năm nay, lặp đi lặp lại mãi.
Việc dân chủ hóa hơn nữa phải đặt yêu cầu ngược lại là dân chủ hóa hơn nữa nhưng phải phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trên cơ sở bám sát vào thực tiễn, tổng kết thực tiễn, vướng mắc, nhưng vẫn phải tính đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Sửa đổi toàn bộ Bộ luật Hình sự là một quá trình công phu, cực kỳ khó khăn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đánh giá chung về dự án bộ luật này, tôi nhận thấy cái cần sửa không thấy sửa, còn cái không cần sửa thì chỉnh đi chỉnh lại mãi. Ví dụ nội dung cần sửa là phân loại tội phạm, chia lại khung hình phạt để khung hình phạt không quá dài... thì không được đưa ra bàn lần này. Dự án bộ luật lần này có quán triệt nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo xu hướng của quốc tế nhưng những nội dung quốc tế đó có phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hay không - là điểm cần cân nhắc.
Về vấn đề cụ thể là tội phạm và hình phạt nên quy định trong Bộ luật Hình sự này hay quy định trong các luật chuyên ngành - câu chuyện này quy định cách đây mười mấy năm rồi và trình QH lần này là lần thứ tư. Tại sao QH lại bác vấn đề này trong những lần trình trước đây? Và tại sao luật nước ngoài có thể quy định được vấn đề này?
Có hai bộ luật liên quan đến mạng sống con người và quyền tự do của con người đó là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định: mọi hoạt động tiến hành tố tụng hình sự chỉ được thực hiện theo quy định của luật này. Đây là nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự. Và cho đến hôm nay, tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Đó là một trong những thành tựu của quá trình lập pháp, pháp điển hóa pháp luật của Nhà nước ta. Thế nhưng có quan điểm cứ cho rằng phải đưa vào luật chuyên ngành để phúc đáp yêu cầu theo từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cái này là hoàn toàn ngụy biện. Các loại tội phạm, tội danh trong Bộ luật Hình sự có tính khái quát rất cao. Các hành vi đơn lẻ được khái quát trong các loại tội danh của Bộ luật Hình sự. Trên thực tế chúng ta không phải thiếu pháp luật về tội danh để xử lý tất cả các loại hành vi và trong một thời điểm nhất định, chúng ta cần bổ sung. Nhưng về cơ bản các loại tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự đủ để xử lý tất cả các hành vi liên quan đến tội phạm hình sự, chưa bao giờ Bộ luật Hình sự vướng mắc việc chưa có loại tội danh nào đó. Bộ luật Hình sự có phần chung và phần riêng. Phần chung là những vấn đề cơ bản, những vấn đề rường cột về chính sách hình sự. Về phần riêng, mỗi điều, mỗi tội danh, mỗi khung hình phạt đều được quy định cấu thành thế nào... Làm sao luật chuyên ngành có thể làm được điều đó. Hơn nữa, quá trình soạn thảo dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các chuyên gia hàng đầu về hình sự còn đang tranh luận về từng điểm trong tội danh, khung hình phạt... vậy thì làm sao để pháp điển hóa khi mỗi loại tội danh lại được quy định trong các luật chuyên ngành?
Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân - nhiều đoàn chuyên gia quốc tế đã hỏi về điều này và tôi trả lời: chúng tôi hoàn toàn đủ pháp luật để xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Có khác nhau là khác nhau ở cách gọi. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân của các nước cũng chỉ là giải thể, tước giấy phép... Khác nhau duy nhất là các nước có án tích, còn ở nước ta là xử lý vi phạm hành chính không chỉ đối với doanh nghiệp mà đối với tất cả các tổ chức có hành vi vi phạm. Chúng tôi xử lý bằng cách giải thể, chấm dứt hợp đồng, giống như xử lý trách nhiệm hình sự ở các nước. Thực ra, việc xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức không khác gì xử lý trách nhiệm hình sự ở các nước, chỉ khác nhau là một bên có án tích, một bên không. Mà án tích với pháp nhân không giải quyết vấn đề gì, án tích chỉ có vấn đề với thể nhân. Chưa kể về mặt lý luận thì trong trường dạy cấu thành tội phạm là cá thể hóa trách nhiệm hình sự bằng 4 yếu tố cấu thành mặt chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong giáo trình ở các trường đại học mới đang ngồi cãi nhau là quy định dấu hiệu nào. Lý luận chưa có thì chúng ta lại đưa vào luật (?). Đấy là lý do trước đây tôi đã từng bác quy định này vì chưa có sức thuyết phục. Về mặt pháp luật, chúng ta bó tay trong việc xử lý. Về mặt lý luận chúng ta chưa có, các nhà khoa học còn đang còn tranh luận thế nào là các yếu tố thành viên của pháp nhân, cấu thành nên tội phạm đó... thì cơ quan soạn thảo lại đưa vào dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này? Đây là trách nhiệm của pháp nhân lại không loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam nó sẽ trở thành nơi ẩn náu trách nhiệm của cá nhân. Nó sẽ luồn lách ẩn náu trách nhiệm hình sự của cá nhân, rất dễ bị lạm dụng - cái đó nguy hiểm nhất trong chính sách hình sự của Nhà nước ta...
Về hình phạt tử hình, chúng ta quán triệt chủ trương của Đảng là rà soát, dân chủ hóa hơn và hạn chế hình phạt tử hình. Hạn chế hình phạt tử hình trên 3 phương diện. Phương diện thứ nhất là bỏ bớt các loại tội danh có hình phạt tử hình. Thứ hai là quy định chặt chẽ hơn, ngặt nghèo hơn các điều kiện để áp dụng án tử hình. Thứ ba là hạn chế phạm vi các đối tượng, chủ thể áp dụng án tử hình. Về các tội danh có mức án tử hình thì chúng ta có cam kết quốc tế, nhưng khi nghiên cứu các cam kết quốc tế có điều hết sức quan trọng cần lưu ý là trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cam kết có hai điều khoản là quy phạm tùy nghi và quy phạm bắt buộc thì hầu hết những cái liên quan đến án tử hình mà tôi nghiên cứu là quy phạm tùy nghi, quy phạm kiến nghị chứ không phải quy phạm bắt buộc... Cần hết sức lưu ý khi nghiên cứu các điều ước quốc tế, kể cả điều ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc cũng vậy. Không nhất thiết là các điều ước quốc tế nói bỏ án tử hình thì ta cố để bỏ án tử hình. Nó chỉ là quy phạm khuyến nghị và chúng ta phải căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam để rà soát.