Cụ thể: UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định cho phép Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) khai thác khoáng sản vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ san lấp Phước Hữu, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Mỏ Phước Hữu có thể cung cấp hơn 1,428 triệu mét khối vật liệu đất đắp cho dự án, giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất trước mắt của dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, góp phần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Trước đó, hồi tháng 1.2022, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có quyết định linh hoạt khi giải quyết cho Công ty Cổ phần hạ tầng giao thông Đèo Cả (nhà đầu tư dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo) được thu hồi khối lượng đất phát sinh từ hoạt động cải tạo đất nông nghiệp của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh để sử dụng làm vật liệu đất đắp thi công dự án đường cao tốc.
Các quyết định này của tỉnh Ninh Thuận đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu cho dự án trọng điểm, phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.
Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cho biết, hiện đơn vị đã huy động gần 1.500 người lao động phục vụ dự án, đồng thời đầu tư mua sắm, huy động máy móc, thiết bị đầy đủ cho các dây chuyền, các mũi thi công.
Ông Thắng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế cũng như đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công dự án.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là một trong ba đoạn cao tốc Bắc – Nam triển khai theo hình thức PPP, kế hoạch hoàn thành trong quý III.2024.