- Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Nghiêm túc thực hiện kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa"
- Thủ tướng chỉ đạo "nóng" về sách giáo khoa, tuyển dụng giáo viên
- Hôm nay, hơn 463 điểm cầu trực tuyến trên cả nước về cuộc gặp gỡ giáo viên với Bộ trưởng GD-ĐT
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Ngành giáo dục đang triển khai những việc khó tựa như “dời non lấp bể”
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và phương hướng năm học mới
Ngày 18.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai năm học mới 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Hội nghị đánh giá năm học 2022-2023, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, ngành giáo dục đã tiếp tục phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả mà toàn ngành GD-ĐT đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp. Có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là việc phát triển, đổi mới giáo dục là một nhiệm vụ khó, liên quan đến nhiều đối tượng, số lượng các cơ sở giáo dục lớn, phạm vi rộng trên tất cả các tỉnh thành; Ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của dịch COVID-19; Số lượng học sinh phân bổ không đồng đều, tập trung ở các thành phố lớn; Thế giới biến đổi, tri thức và KHCN phát triển nhanh chóng tác động đến phát triển GD-ĐT.
Bên cạnh đó, nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; Khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển GD-ĐT còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu; Một số vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của ngành Giáo dục; Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ với ngành Giáo dục chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
"Bộ GD-ĐT cũng cần nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng GD-ĐT gặp gỡ hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ ngành giáo dục cả nước
Ngày 15.8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".
Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD-ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GD-ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Hơn 6500 ý kiến, câu hỏi của giáo viên trên cả nước đã gừi về Bộ GD-ĐT, những vấn đề nổi bật được nêu lên là tiền lương, chế độ chính sách với giáo viên; định mức giáo viên trên lớp hay cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bước đầu, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ, thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ…
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám trường, bám lớp, cần xây thêm nhà công vụ cho giáo viên ở những địa phương này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thông điệp tới toàn ngành giáo dục, phải kiên định vào con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược; kiên quyết với mục tiêu chất lượng và mục tiêu phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ; kiên trinh với nghề dạy học. Vinh quang của nghề nghiệp không thể bị tổn hại, cần vượt qua mọi khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có mấy chữ cần nhớ: kiên định, kiên trì, kiên quyết, kiên trinh. Chữ kiên có nghĩa là sự bền vững. Muốn có sự phát triển bền vững, chúng ta cần bền trí và kiên định. Mong các tri thức, các nhà khoa học cùng đồng lòng chia sẻ với lãnh đạo Bộ trong việc phát triển giáo dục và đào tạo để chúng ta thực hiện được sứ mệnh của mình trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó”, Bộ trưởng nhắn nhủ.
Bộ GD-ĐT tăng số lần lọc ảo, thời gian công bố điểm chuẩn sẽ muộn hơn 2 ngày
Ngày 19.8, Bộ GD-ĐT thông tin về việc điều chỉnh kế hoạch xét tuyển và lọc ảo năm 2023. Cụ thể, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cung cấp nhiều nguồn dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường sử dụng trong nhiều phương thức xét tuyển trong đợt 1, đồng thời thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành (không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển).
Vì vậy, các trường cần nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành việc xét tuyển. Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh tăng 2 ngày và tăng thêm số lần lọc ảo so với kế hoạch xét tuyển và lọc ảo ban đầu.
Như vậy, theo thông báo, việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ kết thúc vào 17h00 chiều 22.8.
Việc công bố điểm trúng tuyển, kết quả chính trúng tuyển và xác nhận nhập học của thí sinh được điều chỉnh tương ứng theo kế hoạch mới.
TP. Hồ Chí Minh tuyên dương học sinh, giáo viên giỏi
UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng 431 học sinh giỏi và 22 giáo viên dạy giỏi thành phố năm học 2022-2023.
Theo báo cáo cùa Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, trong kỳ thi Olympic toán quốc tế, thành phố đạt 1 huy chương đồng. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT, thành phố dự thi và đạt 98 giải; trong đó 5 giải Nhất, 30 giải Nhì, 24 giải Ba và 39 giải Khuyến khích.
Ở cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, theo chỉ tiêu được giao, TP. Hồ Chí Minh tham gia 6 dự án và có 3 dự án đạt giải. Trong đó có một giải Nhất, một giải Nhì và giải Khuyến khích. Ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, TP. Hồ Chí Minh có 5.258 học sinh tham gia, đạt 1.978 giải; trong đó 105 giải Nhất, 723 giải Nhì, 1150 giải Ba...
Hà Nội: Dự kiến xây dựng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành trường chuyên
Thực hiện theo Thông tư số 05 của Bộ GD-ĐT về quy chế hoạt động của trường THPT chuyên yêu cầu “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”.
Hà Nội dự kiến xây dựng, lập đề án xây dựng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành trường chuyên.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho việc chuyển đổi này chưa thể làm được ngay, cần có thời gian chuẩn bị.
Khi hai trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây chuyển thành trường chuyên, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại trà của hai đơn vị này sẽ không còn.
Liên quan tới vấn đề chỗ học cho học sinh, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu thành phố thành lập các trường THPT công lập mới.
Hiện nay, hai trường THPT Chu Văn An và Sơn Tây vẫn tuyển sinh học sinh lớp 10 hệ chuyên và hệ đại trà.