Tham gia điều hành chuỗi cung ứng nông sản 4.0
Những thay đổi chóng mặt của công nghệ số, các ứng dụng số hóa thông minh, tác động tiêu cực hiển hiện của biến đổi khí hậu… đặt ra yêu cầu mới đối với năng lực của nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó phải là những người được đào tạo bài bản, có nền tảng khoa học cơ bản vững chắc, có kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn đáp ứng điều kiện thực tế, có khả năng làm chủ công nghệ số và sáng tạo trên nền tảng giữ được các giá trị truyền thống và bền vững.
Chương trình đào tạo bậc đại học hệ kỹ sư, ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững mà Trường ĐH Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và ĐH Tokyo (Nhật Bản) hợp tác xây dựng hứa hẹn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho không chỉ Việt Nam mà còn cho cả các công ty đầu tư về nông nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam, các công ty kinh doanh và phát triển nông nghiệp tại Nhật Bản.
Chương trình trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng vững chắc về khoa học nông nghiệp, kiến thức liên ngành về khoa học cây trồng và năng lực áp dụng công nghệ số vào chuỗi sản xuất nông nghiệp theo 3 hướng chuyên sâu về Kỹ thuật canh tác nông nghiệp sinh thái; Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong canh tác nông nghiệp theo phong cách Nhật Bản, đặc biệt ứng dụng công nghệ số 4.0; Tạo lập và quản trị doanh nghiệp nông nghiệp, bảo đảm phát triển nền nông nghiệp hài hòa với các giá trị sinh thái và nhân văn.
Đặc biệt các môn học về công nghệ mới trong nông nghiệp như Sinh trắc học nông nghiệp, Toán ứng dụng nông nghiệp, Hệ thống điều khiển tự động trong nông nghiệp... sẽ hoàn toàn do các giảng viên người Nhật Bản đảm nhiệm.
Cũng từ năm học này, Trường ĐH Việt Nhật mở chương trình đào tạo Kỹ sư Kỹ thuật xây dựng (Engineer in Civil Engineering), trên cơ sở kế thừa các thế mạnh về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật xây dựng đã được vận hành trước đó. Chương trình đào tạo hứa hẹn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia kiến tạo cơ sở hạ tầng thông minh, bền vững.
Chương trình đào tạo được thiết kế với nhiều học phần gắn kết với thực tiễn, có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam vào hoạt động giảng dạy. Sinh viên được thực hành, thực tập và trải nghiệm tại các tập đoàn xây dựng là đối tác của Trường như một yêu cầu bắt buộc của chương trình.
Phát triển đô thị thông minh và bền vững
Với thế mạnh liên ngành và kinh nghiệm tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ trong lĩnh vực phát triển đô thị, Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh và đào tạo cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững từ năm 2022, với 60 chỉ tiêu.
Ngành Quản trị đô thị thông minh nhấn mạnh đến sự đổi mới có tính bền vững hướng đến con người trong môi trường xã hội công nghệ và tri thức. Sự đổi mới đó tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ thông tin thế hệ mới như công nghệ di động, Internet vạn vật, điện toán đám mây, mạng xã hội… cùng các phương pháp tích hợp để đạt được tính toàn diện và nhận thức thấu đáo, tích hợp thông minh và kết nối liên thông băng thông rộng khắp nơi. Việc quản trị thành phố thông minh theo hướng bền vững đặc biệt chú trọng đến việc hình thành một không gian mở và đổi mới, hướng đến sự tham gia của người dân và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra giá trị công và giá trị độc đáo, lấy con người làm trung tâm.
Theo học chương trình Quản trị đô thị thông minh, người học có tư duy tổng thể và tiếp cận liên ngành trong các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị, đồng thời có kiến thức nền tảng về đô thị, quản trị, công nghệ thông tin, văn hóa, xã hội cũng như khả năng sử dụng hợp lý các nền tảng công nghệ, phương pháp, công cụ trong quản trị đô thị theo hướng bền vững.
Các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhận như: Chuyên viên quản trị đô thị; Chuyên viên tư vấn dự án đô thị; Chuyên viên tư vấn thiết kế đô thị thông minh; Chuyên viên quản lý môi trường đô thị; Chuyên viên phân tích dữ liệu đô thị; Chuyên viên quy hoạch đô thị; Chuyên viên nghiên cứu đô thị thông minh và bền vững; Quản lý dự án xây dựng đô thị; Quản lý phát triển đô thị thông minh; Quản lý rủi ro đô thị.
Phục vụ chiến lược chuyển đổi số
Một cuộc khảo sát về nhu cầu đào tạo được Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành với học sinh THPT và doanh nghiệp - nhà tuyển dụng cho thấy, khoảng 27,4% học sinh có xu hướng quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật công nghệ, đặc biệt ngành Công nghệ thông tin ứng dụng (An toàn không gian số, IoT, hệ thống nhúng), 22,5% học sinh có nhu cầu chọn khối ngành Kinh tế - Tài chính. Đánh giá về nhu cầu tuyển dụng nhân lực, tuy lĩnh vực kinh doanh khác nhau nhưng có 90% số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và cử người lao động đi học các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về Công nghệ thông tin ứng dụng, đặc biệt là về an toàn không gian số, IoT và hệ thống nhúng.
Đây là cơ sở để Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mở ngành Công nghệ thông tin ứng dụng (an toàn không gian số, IoT và hệ thống nhúng). Chương trình cung cấp những kiến thức nền tảng gồm mật mã ứng dụng, an toàn phần mềm và hệ thống, phân tích mã độc, phòng chống tấn công mạng, điều tra số, an ninh sinh trắc học, blockchain, và nhiều học phần liên quan đến kỹ năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Hạ tầng phục vụ thực hành của sinh viên bao gồm hệ thống ảo hóa với các bài thực hành từ cơ bản đến nâng cao, hệ thống diễn tập ứng cứu sự cố, hệ thống thao trường huấn luyện tấn công, phòng thủ, được trang bị theo thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Bkav và được đầu tư thông qua dự án KOICA IBS (Hàn Quốc). Sinh viên được trải nghiệm các công nghệ là nền tảng bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp và của Chính phủ điện tử.
Sinh viên sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia đang làm việc tại các Tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Bkav, IBM, Thales... để vừa nâng cao kiến thức, vừa bổ sung kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, hướng tới thị trường lao động toàn cầu.
Cũng nhằm phục vụ chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030, Trường Quốc tế còn mở chương trình đào tạo đại học kết hợp thạc sĩ Công nghệ tài chính và kinh doanh số với mục tiêu đào tạo các cử nhân/thạc sĩ với kiến thức chuyên môn kinh tế, kinh doanh, tài chính cùng với kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị kiến thức về công nghệ, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính để người học có kiến thức toàn diện và chuyên sâu về tài chính - ngân hàng và công nghệ; các kỹ năng cần thiết thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng của các tổ chức tài chính, công nghệ tài chính và các phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.