Những dấu hiệu nhận biết giúp điều trị hiệu quả bệnh Thông liên nhĩ

Tim được hình thành từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Ban đầu được cấu tạo như 1 ống, sau đó phân chia thành các vách phân chia tim thành nửa bên phải và nửa bên trái. Nếu trong quá trình phân chia không hoàn thiện, sẽ dẫn đến dị tật Thông liên nhĩ.

Theo bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, Thông liên nhĩ là khuyết (thủng) trên vách liên nhĩ, vách liên nhĩ là vách ngăn giữa 2 buồng nhĩ trái và nhĩ phải của tim. Đây là dị tật bẩm sinh của tim từ thời kỳ bào thai, hoặc lỗ bầu dục không đóng lại tự nhiên sau sinh (lỗ bầu dục luôn tồn tại trong thời kỳ bào thai).

Bình thường máu đen (nghèo oxy) từ tĩnh mạch chủ đổ về nhĩ phải xuống thất phải, sau đó bơm lên phổi để trao đổi oxy. Máu đỏ (giàu oxy) theo tĩnh mạch phổi trở về nhĩ trái, xuống thất trái, sau đó đi theo động mạch chủ đi nuôi cơ thể.

Thông liên nhĩ sẽ làm cho máu từ nhĩ trái, qua lỗ thông sang nhĩ phải, xuống thất phải, làm tăng gánh thể tích thất phải à thất phải giãn. Máu từ thất phải lên động mạch phổi nhiều dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi.

Thông liên nhĩ là bệnh thường gặp thứ 3 trong các bệnh lý tim bẩm sinh. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh có thể có tính chất gia đình.

Những dấu hiệu nhận biết giúp điều trị hiệu quả bệnh thông liên nhi -0
Thông liên nhĩ là hiện tượng xuất hiện lỗ thủng trên vách liên nhĩ của tim (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Thông liên nhĩ?

Bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tim được hình thành từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Ban đầu nó cấu tạo như 1 ống, sau đó phân chia thành các vách phân chia tim thành nửa bên phải và nửa bên trái. Nếu trong quá trình phân chia không hoàn thiện, sẽ dẫn đến dị tật Thông liên nhĩ.

Dị tật tim bẩm sinh có thể do bất thường hệ gen, bất thường nhiễm sắc thể, ảnh hường môi trường, hoặc tính chất gia đình, Tuy nhiên đa phần không rõ nguyên nhân.

Có những thể bệnh Thông liên nhĩ nào?

Có 4 thể bệnh Thông liên nhĩ. Cụ thể:

Thông liên nhĩ lỗ thứ hai (Thông liên nhĩ lỗ thứ phát): Là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm khoảng 2/3 các trường hợp thông liên nhĩ.

Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất: Đây là 1 phần dị tật trong bệnh lý kênh nhĩ thất, kết hợp với xẻ lá trước van 2 lá

Thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch: do khuyết vách liên nhĩ ở vị trí nối của tĩnh mạch chủ đổ về nhĩ phải, thường kèm theo bất thường tĩnh mạch phổi bán phần đổ về nhĩ phải

Thông liên nhĩ thể xoang vành (mất nóc xoang vành): Dị tật tại vị trí thành xoang vành, chạy sau tâm nhĩ trái, tĩnh mạch vành là tĩnh mạch đưa máu từ tĩnh mạch tim đổ về nhĩ phải. Đây là thể hiếm nhất trong các thể bệnh Thông liên nhĩ.

Tại sao lỗ Thông liên nhĩ lại đáng lo ngại ?

Theo thời gian, Thông liên nhĩ sẽ gây ảnh hưởng đến phổi nếu dị tật không được sửa chữa. Dòng máu từ nhĩ trái sang nhĩ phải, xuống thất phải nhiều hơn bình thường sẽ gây giãn thất phải.

Lưu lượng máu lên phổi tăng lên sẽ dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi. Nếu lỗ thông kích thước nhỏ thì lưu lượng máu từ nhĩ trái sang nhĩ phải ít, nếu lỗ thông kích thước lớn thì lưu lượng máu sang tim phải sẽ nhiều hơn.

Đầu tiên sẽ gây nên tình trạng tăng áp phổi do tăng lưu lượng, nhưng nếu để thời gian dài, sau vài năm hoặc vài chục năm, mạch máu phổi sẽ bị biến đổi trở nên xơ cứng thành bệnh lý tăng áp phổi cố định (Eissenmenger), không còn khả năng phẫu thuật.

Triệu chứng lâm sàng gì ở bệnh Thông liên nhĩ ?

Hầu hết trẻ không có triệu chứng và hoạt động thể lực bình thường. Một số trẻ có triệu chứng lâm sàng do nhiều máu lên phổi, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải:

- Trẻ nhanh mệt hơn khi vận động

- Khó thở khi gắng sức

- Vã mồ hôi

- Thở nhanh, nông

- Tăng cân chậm

- Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp

Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh Thông liên nhĩ ?

- Bác sĩ của con bạn sẽ khám lâm sàng, nghe tim thấy âm thồi bất thường và giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch

- Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ khám, nghe tim và phổi, đánh giá toàn trạng để đưa ra các chỉ định để chẩn đoán xác định bệnh bao gồm:

- Siêu âm tim: Là tiêu chuẩn để chẩn đoán. Sử dụng sóng siêu âm để đánh giá cấu trúc và chức năng tim, đánh giá vị trí, kích thước lỗ thông, ảnh hưởng của lỗ thông đến chức năng thất phải và áp lực ĐMP, đánh giá các tổn thương phối hợp khác

- X Quang tim phổi: Bóng tim to, lớn nhĩ phải và thất phải. Tăng tuần hoàn phổi do tăng áp lực động mạch phổi

- Điện tâm đồ: Trục phải, dày thất phải, Block nhánh phải. có thể thấy 1 số rối loạn nhịp khác phối hợp.

- Ngoài ra còn 1 số phương pháp chẩn đoán khác được thực hiện khi cần thiết: chụp cắt lớp vi tính tim, cộng hưởng từ tim, thông tim đánh giá cấu trúc và áp lực động mạch phổi

Điều trị Thông liên nhĩ như thế nào?

- Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ căn cứ vào từng cá thể bệnh nhân để quyết định phương pháp điều trị, phụ thuộc vào: Lứa tuổi; phát triển thể chấtp; tiền sử dùng thuốc; độ rộng của lỗ thông, độ giãn của thất phải, áp lực động mạch phổi.

Ngoài ra, đáp ứng của bệnh nhân với các thuốc và phương pháp điều trị; sự lựa chọn của gia đình; kỳ vọng của bác sĩ về việc lỗ thông tiến triển tốt, thu nhỏ lại.

Lỗ Thông liên nhĩ lỗ thứ 2 có thể đóng lại tự nhiên khi đứa trẻ lớn lên. Bác sĩ tim mạch sẽ yêu cầu trẻ khám bệnh định kỳ để đánh giá tiến triển của lỗ thông. Một số trường hợp sẽ được dùng thuốc và chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng lên phổi và tim phải.

- Điều trị nội khoa: Nhiều trẻ có lỗ thông liên nhĩ nhỏ, không có triệu chứng thì không cần dùng thuốc. Những trẻ có tăng lưu lượng máu sang tim phải gây giãn tim phải hoặc tăng áp lực động mạch phổi sẽ được chỉ định dùng thuốc lợi tiểu để giảm tiền gánh cho tim phải.

- Phẫu thuật: Những lỗ thông lớn không thuận lợi cho việc can thiệp bít dù sẽ được chỉ định phẫu thuật. Có thể phẫu thuật kinh điển vá thông liên nhĩ với đường mổ giữa xương ức hoặc phẫu thuật ít xâm lấn với đường mổ nhỏ hoặc bên nách hoặc phẫu thuật nội soi. Chỉ định phụ thuộc vào từng trung tâm tim mạch và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

- Can thiệp bít dù thông liên nhĩ: Thông thường áp dụng với lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ 2, các gờ tốt. Bệnh nhân sẽ uống thuốc chống đông liên tục trong vòng 6 tháng kể từ khi can thiệp

Tiên lượng lâu dài sau sửa chữa Thông liên nhĩ thế nào?

Phần lớn các trẻ sau vá/ bít lỗ thông có một cuộc sống khỏe mạnh. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ yêu cầu trẻ đi khám lại định kỳ sau can thiệp đóng lỗ thông, dùng thuốc kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Tiên lượng cũng còn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện lỗ thông, ảnh hưởng của lỗ thông đến tim và phổi, lỗ thông có được sửa chữa hay không

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết quả nói chung tốt, trẻ có thể phát triển bình thường. Nếu lỗ thông phát hiện muộn, đã ảnh hưởng đến mạch máu phổi, tăng áp phổi nặng, trẻ có thể sẽ không phẫu thuật được, hoặc dùng các thuốc hạ áp phổi kéo dài, tiên lượng xấu

Tư vấn