Khai thác kho bãi chưa đúng quy định?
Công ty Cổ phần vận tải biển Sài Gòn (SSC) - đơn vị thành viên, công ty “con” của SAMCO (sở hữu 51% vốn điều lệ và chi phối tại SSC) từng là thương hiệu vận tải biển hàng đầu Việt Nam với thâm niên hơn 40. Tuy nhiên, sau thời gian kinh doanh thua lỗ phải bán tàu, SSC không còn hoạt động như đúng tên gọi là “vận tải biển”.
Hiện sở hữu gần 5ha đất tại TP Thủ Đức, SSC chủ yếu hoạt động kinh doanh kho, bãi, trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics, SSC lại hoạt động trì trệ, lãng phí…
SSC đang khai thác 2 kho bãi CFS tại Trung tâm kho vận Linh Xuân (TP Thủ Đức) được xây dựng từ năm 2003-2004. Hai kho hàng này được coi là bất động sản, tài sản trên đất và được ràng buộc bởi Luật kinh doanh Bất động sản. Cả 2 kho này sau khi xây dựng xong đều không có giấy chứng nhận tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, kho CFS2 vi phạm quy định về mật độ xây dựng, không phù hợp với quy hoạch tại QĐ số 5407/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND Thành phố.
Không những vi phạm về mật độ xây dựng, 2 kho hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện về PCCC theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vì sao với hồ sơ pháp lý có dấu hiệu chưa đúng quy định nhưng 2 kho này vẫn được các cơ quan chức năng cho tồn tại nhiều năm? Trường hợp xảy sự ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản, trách nhiệm thế nào?
Điều đáng nói, dù các kho không đủ điều kiện pháp lý kinh doanh cho thuê bất động sản, nhưng SSC vẫn cho đối tác thuê trần, mọi việc kinh doanh khai thác kho bên thuê tự làm, giá cho thuê được cố định, không thay đổi trong nhiều năm qua gây thiệt hại nghiêm trọng.
Với mong muốn SSC phát triển bền vững nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật, cổ đông góp vốn và là thành viên HĐQT SSC gửi rất nhiều công văn đến SAMCO, UBND TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Thành phố về việc đề nghị giải quyết dứt điểm các bất cập về kho bãi, ký kết hợp đồng…, để tránh thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước
Để thông tin được khách quan và làm rõ những phản ánh, kiến nghị về những bất cập tại SSC, ngày 21.9, PV Báo Đại biểu Nhân dân trực tiếp đến liên hệ lãnh đạo SSC và SAMCO, đồng thời gửi lại những nội dung liên quan.
Ngày 12.10, PV Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục đến liên hệ lại với lãnh đạo SSC và SAMCO. Dù liên hệ trực tiếp và qua điện thoại nhưng đến nay, Báo Đại biểu Nhân dân vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ các đơn vị này.
Ngày 18.3.2022, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản khẩn số 1838/VP-ĐT gửi Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thủ Đức, SAMCO về kiến nghị liên quan đến hoạt động của SSC. Dù UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản khẩn như trên nhưng sau đó những kiến nghị tâm huyết của cổ đông và thành viên HĐQT SSC vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Tuy SSC đạt được những thành quả nhất định nhưng hoạt động kinh doanh hiện tại không bền vững, không có hướng phát triển, mang lại giá trị gia tăng, kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, cụ thể là những bất cập tại 2 kho CFS. Ngoài ra, SSC tồn tại hàng loạt vấn đề khác như không phát huy được hiệu quả so với lợi thế về địa lý và tiềm năng, nhiều mảng kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả…”, đại diện cổ đông góp vốn và thành viên HĐQT SSC nhận định.
Đại diện vốn SAMCO vi phạm hàng loạt khi làm chủ tọa ĐHCĐ tại SSC
Vì phản ánh, kiến nghị của cổ đông không được xử lý, 2 năm qua, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm không được thông qua tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên.
Ngày 28.7.2022, SSC tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2022 với sự tham dự của 28 cổ đông đại diện cho 89,35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tại đại hội, cổ đông trình bày kiến nghị về các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chưa được Đại hội thường niên 2022 thông qua, không được sửa chữa, đưa ra thảo luận, thông qua kỳ đại hội bất thường này.
Trước khi diễn ra ĐHCĐ bất thường, HĐQT SSC đã họp kín với các nội dung sẽ được ra bàn bạc và xin ý kiến đại hội. Tuy nhiên, khi tiến hành ĐHCĐ, chính đại diện vốn SAMCO là thành viên HĐQT tại công ty đã thông qua nội dung trình đại hội lại thay đổi các nội dung đã thống nhất, vì thế cổ đông đã bỏ phiếu không thông qua toàn bộ biên bản họp và Nghị quyết của ĐHCĐ.
Biên bản họp ĐHCĐ bất thường năm 2022, chỉ 51,93% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của SSC; 58,12% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội đã bỏ phiếu nhất trí thông qua nghị quyết. Tỷ lệ này không đạt mức 65% theo điểm c khoản 2 Điều 30 của Điều lệ của SSC.
Bên cạnh đó, việc cổ đông bỏ phiếu không thông qua toàn văn Nghị quyết, phủ quyết các nội dung trong cuộc họp là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Nên việc chủ tọa cuộc họp là ông Lê Minh (đại diện phần vốn của SAMCO, chủ tọa ĐHCĐ) không chấp nhận ý kiến thay đổi của cổ đông tại phần cuối của cuộc họp là trái quy định, không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của cổ đông gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông.
Dù nhiều ý kiến phản đối được đưa ra, tuy nhiên ngày 28.7.2022, SSC vẫn ban hành Nghị quyết ĐHCĐ SSC số 01/NQ-ĐHĐCĐ-SCC.
Quá bức xúc, cổ đông đã kiện ra toà yêu cầu hủy Nghị quyết nêu trên. Tại quyết định sơ thẩm dân sự số 218/2022 ngày 7.2.2023, TAND Quận 1 chấp nhận yêu cầu của cổ đông, hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ SSC số 01/NQ-ĐHĐCĐ-SCC.
Vào các ngày 28 và 29.9.2023, TAND TP.Hồ Chí Minh tiến hành mở phiên họp phúc thẩm, tiếp tục chấp nhận yêu cầu của cổ đông, hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ SSC số 01/NQ-ĐHĐCĐ-SCC. Quyết định giải quyết việc dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Cử tri và dư luận cho rằng, những bất ổn kéo dài tại SSC nguy cơ gây thất thoát tài sản Nhà nước được cổ đông góp vốn, thành viên HĐQT SSC nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng không được xử lý dứt điểm. Vậy, với vai trò là công ty “mẹ”, SAMCO đã thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình? Nên chăng, UBND TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan cần khẩn trương vào cuộc.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.