Hội đồng Giáo sư Nhà nước: "Rà soát từng hồ sơ ứng viên và kết quả xét của các Hội đồng Giáo sư cơ sở"

- Thứ Tư, 30/08/2023, 13:53 - Chia sẻ

Hiện nay, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước đang tổ chức rà soát kỹ hồ sơ ứng viên và kết quả xét của các Hội đồng Giáo sư cơ sở (HĐGSCS) trước khi bàn giao cho các HĐGS ngành, liên ngành.

Ngày 30.8, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS. TS Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 đã và đang được thực hiện theo đúng Kế hoạch đã ban hành.

Hiện nay, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước đang tổ chức rà soát kỹ hồ sơ ứng viên và kết quả xét của các Hội đồng giáo sư (HĐGS) cơ sở trước khi bàn giao cho các HĐGS ngành, liên ngành, tham mưu cho Lãnh đạo Hội đồng Giáo sư nhà nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai họp các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2023 theo đúng lịch trình quy định.

Theo kế hoạch, sau khi rà soát xong Hồ sơ ứng viên và kết quả xét tại các HĐGS cơ sở, ngày 7.9.2023 HĐGSNN sẽ tổ chức tập huấn cho các thành viên HĐGS ngành, liên ngành về công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023.

Văn phòng HĐGSNN sẽ bàn giao hồ sơ ứng viên cho các HĐGSN ngành, liên ngành trước ngày 8.9.2023. Sau đó, các HĐGS ngành, liên ngành sẽ tổ chức việc thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023. Công tác này sẽ kết húc vào ngày 20.10.2023.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước: Rà soát kỹ từng hồ sơ ứng viên và kết quả xét của các Hội đồng Giáo sư cơ sở -0
PGS. TS Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước

Những ý kiến phản ánh của dư luận xã hội là kênh thông tin hữu ích

- Thưa PGS. TS Trần Anh Tuấn, vừa qua ở Hội đồng giáo sư cơ sở Trường đại học Công nghệ TP.HCM vừa qua khi loại khỏi danh sách ứng viên giáo sư không đạt chuẩn do ứng viên  khai minh chứng chưa rõ ràng, từ sự việc trên, Hội đồng  Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) có lưu ý gì?

Ngày 30 tháng 6 năm 2023, Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 đã tiến hành họp Phiên thứ XI để thảo luận về công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) năm 2023.

Tại phiên họp này, HĐGSNN đã trao đổi. thảo luận kỹ nhiều nội dung quan trọng có liên quan.

HĐGSNN đã ban hành Nghị quyết phiên họp, theo đó, HĐGSNN lưu ý các Hội đồng Giáo sư cơ sở: “tập trung kiểm soát hồ sơ ứng viên ngay từ khâu nhận hồ sơ, kiên quyết không nhận những hồ sơ không đúng quy cách; tuân thủ triệt để nhiệm vụ của Hội đồng Giáo sư cơ sở là kiểm tra tính pháp lý, sự chuẩn xác của các minh chứng trong Hồ sơ ứng viên, không để sót hồ sơ chưa bảo đảm tính pháp lý hoặc không đúng quy cách khi chuyển lên xét ở các Hội đồng Giáo sư cấp trên”.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhìn chung các HĐGS cơ sở đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ theo quy định, việc ứng viên chức danh GS, PGS được HĐGS cơ sở thẩm định hồ sơ, đánh giá năng lực và bỏ phiếu tín nhiệm không đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thể hiện việc thực hiện nhiệm vụ của HĐGS cơ sở đã tuân thủ theo quy định.

Mặt khác, những ý kiến phản ánh của dư luận xã hội cũng là kênh thông tin hữu ích giúp cho HĐGS cơ sở có thêm thông tin để thẩm định hồ sơ, đánh giá năng lực ứng viên trong quá trình xét.

Thẩm định, xem xét kỹ về mặt chuyên môn, học thuật, liêm chính khoa học

- Hiện tượng thuê viết bài báo khoa học, xuất bản bài báo trên tập san khoa học dỏm… vẫn âm thầm diễn ra do nhu cầu hoàn tất hồ sơ để được công nhận chức danh phó giáo sư, giáo sư. Ý kiến của Hội đồng GSNN như thế nào?.

Vấn đề liêm chính trong học thuật đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước đề nghị các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay.

Năm 2023, HĐGSNN tiếp tục quán triệt các HĐGS ngành, liên ngành thẩm định, xem xét kỹ về mặt chuyên môn, học thuật, liêm chính khoa học đối với từng  hồ sơ ứng viên; tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong quá trình xét, đặc biệt trong thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn về hồ sơ ứng viên theo quy định.

Những hiện tượng nêu trên đã được HĐGSNN lưu ý các HĐGS ngành, liên ngành trong Phiên họp lần thứ XI cũng như các Hội nghị tập huấn công tác xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước:
Bình quân hàng năm có khoảng trên 450 các giảng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn GS,PGS

Quy định bài báo quốc tế để nâng cao vị thế nhà khoa học Việt Nam

- Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng chưa đến 1% giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư và chưa đến 7 % phó giáo sư như hiện nay là do rào cản từ bài báo quốc tế khiến nhiều giảng viên "ngại" nâng chuẩn lên GS, PGS, ông nghĩ sao về điều này?

Quy định về các bài báo quốc tế có uy tín theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một bước tiến đáng ghi nhận nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS theo hướng hội nhập quốc tế.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, các giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học ủng hộ chủ trương này. Thực tế số lượng được xét công nhân GS, PGS theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ những năm gần đây, năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm có khoảng trên 450 các giảng viên, các nhà khoa học công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn và được các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó khoảng gần 20% có chức danh giáo sư.

Lực lượng GS, PGS bổ sung hàng năm này được các cơ sở giáo dục đánh giá là có chất lượng, được dư luận đồng tình và đã góp phần đáng kể nâng cao dần tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS trong đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

Tiêu chuẩn quy định bắt buộc ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo quốc tế có uy tín sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS; tương tự ứng viên PGS có ít nhất 3 bài báo quốc tế có uy tín sau khi được công nhận TS được đánh giá là một tiêu chuẩn nổi trội đã giúp cho ứng viên tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế khi công bố các công trình khoa học.

Quy định như vậy để nâng cao vị thế của các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng các nhà khoa học quốc tế; góp phần gia tăng số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế.

So với giai đoạn trước đây, số ứng viên có bài báo khoa học chất lượng đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín WoS, Scopus (Q1, Q2) và có hệ số trích dẫn cao ngày càng nhiều. Trình độ ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của ứng viên ngày càng được nâng cao.

- Vậy trong thời gian tới, Hội đồng GSNN cho sửa đổi, bổ sung gì về quy định xét chức danh GS,PGS?

HĐGS nhà nước đang xây dựng kế hoạch, lộ trình Tổng kết đánh giá Nhiệm kỳ 2018-2023 thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc xây dựng ban hành Quyết định mới.

- Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh
#